Tổng kiểm tra, xử nghiêm doanh nghiệp trốn truyền dữ liệu GSHT
Việc đối diện mức phạt nặng khiến nhiều lái xe, doanh nghiệp sử dụng mánh khóe để đối phó, không truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN.
Bà Phan Thị Thu Hiền
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đợt tổng kiểm tra (từ ngày 15/4 – 15/7) nhằm chấn chỉnh, xử lý vi phạm về lắp đặt, truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của toàn bộ xe ô tô kinh doanh vận tải khách, hàng hóa trên toàn quốc.
Nhức nhối lái xe vi phạm tốc độ, thời gian lái xe liên tục
Vì sao Tổng cục Đường bộ VN lại mở đợt tổng kiểm tra việc sử dụng thiết bị GSHT của DN vận tải, thưa bà?
Tổng cục Đường bộ VN nhiều lần chỉ đạo các sở GTVT, DN vận tải rà soát, chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua thiết bị GSHT.
Tuy nhiên, qua theo dõi, vẫn còn nhiều phương tiện không truyền dữ liệu từ thiết bị GSHT. Kế hoạch tổng kiểm tra lần này được thực hiện trên toàn quốc nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm về lắp đặt, khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT.
Đồng thời, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm tình trạng phương tiện không truyền dữ liệu từ thiết bị GSHT.
Quy định lắp đặt thiết bị GSHT được thực hiện trong nhiều năm, hiệu quả đến nay ra sao, thưa bà?
Khi có thiết bị GSHT, chủ DN nắm bắt được tình hình hoạt động của phương tiện 24/24h, giám sát lộ trình xe chạy, quản lý các điểm đón trả khách, quản lý lái xe, quản lý nhiên liệu, giám sát được tốc độ xe chạy, thời gian xe chạy, hành trình xe chạy… để kịp thời chấn chỉnh hành vi của lái xe.
Doanh nghiệp còn sử dụng dữ liệu từ thiết bị để tối ưu hoá hành trình chạy xe, hạn chế tình trạng xe chạy rỗng nhằm tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Theo quy định tại Nghị định 10/2020, dữ liệu từ thiết bị GSHT phải được truyền dẫn liên tục về hệ thống dữ liệu GSHT của Tổng cục Đường bộ VN các thông tin hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe.
Hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT tại Tổng cục tiếp nhận, phân tích và cung cấp công cụ giám sát trực tuyến trên bản đồ số toàn bộ phương tiện trong toàn quốc theo thời gian thực. Hệ thống cung cấp công cụ để phân loại trạng thái của phương tiện đảm bảo dễ dàng trong quá trình theo dõi, giám sát.
Hàng ngày, hệ thống giúp các Sở GTVT, bến xe giám sát, theo dõi hoạt động của các phương tiện thuộc địa phương mình quản lý và phương tiện địa phương khác hoạt động trên địa bàn một cách hiệu quả, nhanh chóng.
Đây cũng là công cụ hữu hiệu để phục vụ lực lượng TTGT, CSGT kiểm tra, truy xuất dữ liệu phương tiện trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, kiểm soát tải trọng.
Theo thống kê, từ khi đưa vào khai thác, tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000km giảm mạnh, từ 11,5 lần/1.000km năm 2015 xuống còn 0,32 lần/1.000km năm 2020, giảm khoảng 36 lần, trong khi số lượng phương tiện hiện nay tăng gấp 8 lần so với năm 2015.
Kiểm tra về lắp đặt, truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình
Lâu nay, các vi phạm phổ biến của các doanh nghiệp, lái xe liên quan đến thiết bị GSHT là gì, DN thường đối phó ra sao?
Thiết bị GSHT nhằm kiểm soát tốc độ, thời gian lái xe. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN, lái xe thực hiện đối phó.
Thậm chí, một bộ phận lái xe, chủ xe có nhiều mánh khóe sử dụng công tắc hoặc đấu nối dây điện để tắt thiết bị, sử dụng thiết bị phá sóng để vô hiệu hóa thiết bị GSHT. Việc đối diện mức phạt nặng khiến họ phải ngắt thiết bị để không có dữ liệu truyền về Tổng cục Đường bộ VN.
Năm 2020, cả nước có hơn 5,4 triệu lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,32 lần. Bên cạnh đó, hơn 5,4 triệu lần vi phạm thời gian lái xe liên tục.
Năm 2020, các Sở GTVT thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với hơn 3.500 phương tiện. Số liệu này chưa tính số tiền xử phạt các vi phạm liên quan đến thiết bị GSHT do lực lượng TTGT và lực lượng CSGT kiểm tra, xử phạt.
Vậy trong đợt kiểm tra này, nếu phát hiện DN vi phạm sẽ bị xử lý thế nào?
Nghị định 100/2019 đã quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm về thiết bị GSHT đối với lái xe và DN.
Theo đó, phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách có gắn thiết bị GSHT nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu thiết bị GSHT của xe ô tô. Ngoài ra lái xe còn bị tước GPLX 1 – 3 tháng.
Phạt tiền từ 5 – 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 – 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải không cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị GSHT theo quy định; không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào phần mềm xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT của các xe ô tô thuộc đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Cùng mức phạt, điểm đ điều này cũng quy định xử phạt DN sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị GSHT của xe (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định phương tiện phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị GSHT của xe ô tô.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 – 3 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm.
Chưa thể sử dụng dữ liệu từ GSHT để xử phạt vi phạm giao thông
Từ ngày 15/4 – 15/7, lực lượng chức năng sẽ tổng kiểm tra toàn bộ xe ô tô kinh doanh vận tải khách, hàng hóa trên toàn quốc về lắp đặt, truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. (Ảnh minh họa)
Nhiều người thắc mắc, dù được đầu tư rất lớn, nhưng vì sao dữ liệu từ thiết bị GSHT chưa được dùng để xử phạt vi phạm giao thông?
Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100 đang áp dụng đối với các hành vi liên quan đến lắp đặt thiết bị và duy trì hoạt động của thiết bị hoặc đơn vị kinh doanh vận tải không cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị GSHT.
Ngoài ra là các hành vi sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị.
Tuy nhiên, theo Nghị định 165/2013 quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về TTATGT thì thiết bị GSHT không nằm danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về TTATGT. Vì vậy, dữ liệu ghi nhận từ thiết bị GSHT đến nay chưa được sử dụng để xử phạt vi phạm giao thông theo quy định tại Nghị định 100.
Việc chia sẻ dữ liệu cho các lực lượng chức năng khác phục vụ công tác đảm bảo ATGT đang thực hiện thế nào, thưa bà?
Theo quy định tại Thông tư 09/2015 của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN đã cấp 146 tài khoản cho Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia, 63 Sở GTVT tỉnh, thành phố, các bến xe để khai thác, kiểm tra, giám sát, sử dụng dữ liệu, phục vụ quản lý vận tải tại địa phương và tra cứu các phương tiện trong toàn quốc.
Chúng tôi cũng cung cấp tài khoản truy cập vào hệ thống để chia sẻ dữ liệu cho CSGT để theo dõi, kiểm tra trong quá trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trên đường. Dữ liệu cũng được chia sẻ cho lực lượng công an để phục vụ công tác điều tra, giải quyết TNGT.
Cảm ơn bà!
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng:
GSHT chưa khai thác hết tính năng
Lợi ích của GSHT đối với DN rất rõ nhưng cơ quan quản lý nhà nước chưa khai thác hết các tính năng của thiết bị GSHT.
Đơn cử, đối với xe tuyến cố định, việc xác định xe chạy không đúng lộ trình chưa xử lý được, dẫn đến xe chạy sai lộ trình rất nhiều, làm nở rộ xe dù, bến cóc.
GSHT hiện chỉ mới dừng lại ở việc quản lý phương tiện. Cơ quan quản lý nhà nước có thể dùng thiết bị này để thu phí bảo trì theo km xe chạy thay vì thu phí theo đầu phương tiện. Hình thức thu phí này sẽ đảm bảo công bằng, xe đi ít trả tiền ít và ngược lại. Bên cạnh đó, có thể dùng thiết bị này để quản lý về thuế theo cung đường của phương tiện, đảm bảo tính chính xác về mức nộp thuế.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Điện Biên:
Chưa kiểm soát được xe hợp đồng trá hình
Việc xác định một chiếc xe hợp đồng trá hình không khó. Nếu kiểm soát chặt việc truyền dữ liệu, cơ quan quản lý sẽ biết xe nào không phải tuyến cố định nhưng đón trả khách lặp đi, lặp lại tại một điểm. Chính do năng lực kiểm soát điểm dừng đón, trả khách từ thiết bị này còn yếu khiến xe hợp đồng Limousine đón trả khách khắp mọi nơi, vô tư lập bến cóc.
T.Duy (Ghi)
Trần Duy
Nguồn bài viết: ATGT.VN