Xóa lối đi tự phát, TNGT đường sắt giảm sâu
Liên tiếp trong những năm gần đây, TNGT trên tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh giảm sâu cả 3 tiêu chí.
Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đóng đường ngang tự phát
Đây là kết quả của việc các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó quan trọng nhất là cương quyết xóa lối đi tự phát qua đường sắt.
Chỉ xóa, không thêm lối đi qua đường sắt
Đường ngang biển báo Km 330+315, tuyến đường sắt Bắc – Nam (thuộc địa phận xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) là một trong những đường ngang lối mở tự phát.
Vị trí này ngay sát một trường mầm non và cụm dân cư nên hàng ngày có rất đông người tham gia giao thông. Trong khi đó, từ mặt bằng đường dân sinh lên đến đỉnh đường ngang có độ dốc khá lớn nên không ít các vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra tại đây.
Để xóa điểm đen TNGT này, ngày 12/1, Thanh tra Sở GTVT Nghệ An đã phối hợp với Đội Đường sắt, Phòng CSGT Công an Nghệ An, Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh và chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế đóng đường ngang Km 330+315.
Tất cả người và phương tiện được hướng dẫn đi về đường ngang có gác cách điểm này 300m (điểm giao với QL46C). Mặc dù còn có ý kiến trái chiều, nhưng với sự quyết liệt của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, đến nay người dân đã quen dần với lối đi mới, TNGT cũng không xảy ra.
Theo tìm hiểu của PV, đó chỉ là một trong hàng chục lối đi tự phát trên tuyến đường sắt qua Nghệ An mà ngành chức năng và chính quyền địa phương đã đóng trong thời gian vừa qua.
Gần đây nhất, đường ngang tự phát tại Km 314+880 cũng được đóng lại; rào tạm thời đường ngang tự phát tại Km 271+300 và tổ chức cảnh giới tại một vị trí khác…
Ông Trần Văn Kế, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, công ty quản lý từ Km 257+500 (thuộc địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đến Km405 (giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình).
Theo thống kê, trên toàn tuyến có 74 đường ngang phòng vệ có người gác, cảnh báo tự động có cần chắn và 181 lối đi tự mở qua đường sắt. Trong năm 2020, công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xóa bỏ thêm 24 lối đi tự mở và không để phát sinh thêm các lối mới nào.
“Ngoài ra, để đảm bảo ANTT, ATGT trên tuyến, Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh còn triển khai cắm biển chú ý tàu hỏa tại tất cả các lối đi tự mở qua đường sắt; cắm biển cấm và hạn chế phương tiện ở các lối đi công cộng ≥3m; chôn cọc thu hẹp lối đi theo quy định của Bộ GTVT…, từ đó tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên tuyến”, ông Kế nói.
Có cùng quan điểm, ông Phan Huy Chương, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết thêm: Trong năm vừa qua, công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với công ty quản lý tuyến và chính quyền địa phương đã đem lại những hiệu quả rõ rệt.
Các bên đã phối hợp chặt chẽ từ việc tuyên truyền các quy định của pháp luật; xử lý vi phạm hành lang ATGT đường sắt; điều tra xử lý các vụ việc mất trộm vật tư, thiết bị đường sắt; đóng các đường ngang tự mở…
Phát huy trách nhiệm vì những chuyến tàu an toàn
Gác chắn Dương Văn Kiên đang làm nhiệm vụ
Bên cạnh việc khắc phục những bất cập về hạ tầng, tinh thần trách nhiệm, ý thức công việc của cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Đường sắt từ tuần đường cho đến gác chắn… cũng là một trong những nguyên nhân kéo giảm TNGT.
Điển hình là trường hợp nhân viên gác đường ngang Dương Văn Kiên (ở cung đường Chợ Sy). Anh Kiên được ví như “kiện tướng an toàn”, bởi ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, anh còn có nhiều hành động dũng cảm, phản ứng nhanh, xử lý các tình huống nguy hiểm, tránh được tai nạn tàu đâm va phương tiện đường bộ.
Lần gần đây nhất là vào khoảng hơn 10h ngày 29/2/2020, khi đang trực gác tại đường ngang Km 273+620, anh Kiên đã sớm phát hiện một chiếc xe tải mắc kẹt ở đường ngang.
Không mảy may suy nghĩ, anh đóng chắn đường ngang rồi chạy thục mạng về phía đoàn tàu khách đang rầm rầm lao đến. Hành động của anh đã giúp đoàn tàu dừng lại kịp thời, tránh được một vụ tai nạn thảm khốc.
Trước đó, anh Kiên cũng đã có rất nhiều lần “bắt tàu” thành công, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và tài sản của Nhà nước. Lý giải về những lần cứu tàu, cứu người này, anh Kiên cười hiền cho rằng đó là “cái duyên”.
Ở công ty còn nhiều trường hợp khác cũng có hành động dũng cảm, trách nhiệm như: Anh Cao Ngọc Hải, nhân viên tuần đường cung Mỹ Lý; chị Phan Thị Lương, Đặng Thị Bốn, nhân viên gác đường ngang cung đường Mỹ Lý…
“Chạy “bắt tàu” dừng lại rất nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng của chính bản thân mình. Thế nhưng, những lúc đó không kịp nghĩ, đắn đo hay sợ hãi gì cả, như có gì thôi thúc, thấy nguy cơ tai nạn cấp bách như vậy là lao ra xử lý thôi. Cứu được rồi thì cảm thấy rất hạnh phúc…”, anh Kiên cho hay.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp và phát huy vai trò, trách nhiệm trong mỗi cán bộ, công nhân, người lao động mà tình hình TNGT đường sắt trên đoạn do Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh quản lý giảm sâu cả 3 tiêu chí. Theo thống kê năm 2020, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 17 vụ TNGT đường sắt, làm chết 10 người, bị thương 2 người. So với năm 2019, giảm 16 vụ (-55%), giảm 7 người chết (-58,8%), giảm 5 người bị thương (-28,5%).
Văn Thanh – Sỹ Hòa
Nguồn bài viết: ATGT.VN