Nguy hiểm cấp dự án cây xăng trên cung đường “tử thần” ở Nghệ An
Cây xăng nằm ngay trên lưng đường cong bên phải tuyến, sát một ngã tư trên QL7C – cung đường “tử thần” ở Nghệ An.
Đường QL7C (hay còn gọi là đường N5 đi Đô Lương, Nghệ An) luôn được mệnh danh là cung đường “tử thần” với hàng chục vụ TNGT chết người xảy ra mỗi năm. Tuy nhiên, điều bất ngờ là địa phương này lại cho phép xây dựng một cây xăng ngay tại lưng đường cong, sát ngã tư gây nguy cơ mất ATGT.
Tăng nguy cơ TNGT
Theo tìm hiểu của PV, vị trí mất an toàn nói trên nằm ngay sát ngã tư Hiến Sơn, nơi tuyến QL7C giao cắt với đường Khuôn – Trù – Đại (đường dẫn vào loạt nhà máy, xưởng chế xuất của địa phương). Cây xăng này do Công ty CP Vận tải và dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh (PTS) đầu tư xây dựng. Vị trí cây xăng nằm trên lưng đường cong bên phải tuyến, sát ngã tư. Ngã tư này cũng là nút giao xiên chéo, cao độ mặt đường của 2 tuyến không đồng nhất, phương tiện phải vượt dốc lên đường chính.
Bên cạnh đó, lượng phương tiện ở đây tăng cao vào các giờ cao điểm. Nếu cây xăng được xây dựng ở đây, chắc chắn sẽ gây cản trở tầm quan sát của toàn bộ các phương tiện đi từ đường nhánh ra. Ngoài ra, số lượng phương tiện ra vào cây xăng, cộng với lượng phương tiện hiện hữu, chắc chắn sẽ đẩy nguy cơ xảy ra TNGT lên cao.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Hiến Sơn xác nhận: Ngã tư Khuôn – Trù – Đại là 1 trong 4 điểm giao với QL7C, có mật độ phương tiện đông đúc và thường xảy ra TNGT. Tại đây xảy ra rất nhiều vụ TNGT, trong đó vụ nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 2018, giữa xe đầu kéo với xe máy làm một người đàn ông tử vong. Xã cũng đã có kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp như: Lắp đặt thêm đèn tín hiệu giao thông để giảm thiểu tai nạn.
Hiện nay, ở vị trí cây xăng, hệ thống hộ lan tôn đã bị tháo dỡ để cho xe ra vào san lấp mặt bằng. Toàn bộ phần đất hành lang ATGT đường bộ của tuyến QL7C, đoạn trước mặt dự án cây xăng, cũng đã bị lấp để làm đường, mặt tiền cây xăng. Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Võ Minh Đức, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An tỏ ra ngạc nhiên: “Đường này xảy ra TNGT liên tục, tới mức nhiều lần đại biểu đặt câu hỏi chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Các sở, ngành cũng đưa ra rất nhiều các giải pháp, trong đó có cả các dự án cải tạo hạ tầng tiền tỷ nhằm kéo giảm TNGT, thế nhưng không hiểu sao lại cho xây dựng cây xăng ngay ngã tư Hiến Sơn – một trong những vị trí ngã tư gần lưng đường cong, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Cửa hàng này nếu đi vào hoạt động, xảy ra TNGT thì ai chịu trách nhiệm?”.
“Cắt xén” quy trình cấp phép?
Trả lời Báo Giao thông về việc tại sao lại cho phép tồn tại cây xăng gây mất ATGT như vậy, ông Nguyễn Quế Sự, Phó giám đốc Sở GTVT Nghệ An thừa nhận: “Đúng là cây xăng đang xây dựng nằm trên lưng đường cong nguy hiểm. Tuy nhiên, khi tỉnh chấp thuận đầu tư xây dựng cây xăng này thì không lấy ý kiến từ phía Sở. Nay tỉnh có quyết định rồi thì Sở buộc phải cấp phép cho đơn vị thi công”.
Được biết, cây xăng PTS được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch xây dựng từ năm 2017 với diện tích 1.750m2. Thời điểm đó, phần đất này vẫn là đất nông nghiệp, không nằm trong kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất của địa phương. Đến tháng 1/2019, khi mọi thủ tục đã được “hợp thức hóa” thì UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định cho Công ty PTS Nghệ Tĩnh thuê đất thực hiện dự án, thời hạn 40 năm.
Về lý do không lấy ý kiến Sở GTVT, bà Nguyễn Thị Giang, cán bộ Sở KH&ĐT Nghệ An, cho biết: “Tại thời điểm tham mưu chủ trương đầu tư (năm 2016, 2017), đường N5 là đường tỉnh lộ. Năm 2018, Bộ GTVT mới có quyết định chuyển các tuyến đường tỉnh D4, N5 và 538N thành QL7C. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn đang thực hiện bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng, chưa được Trung ương nghiệm thu thành đường quốc lộ. Do đó, việc xây dựng cửa hàng xăng dầu Hiến Sơn không cần thực hiện theo quy định tại Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, cũng không cần lấy ý kiến của Sở GTVT” (!?).
Trong khi đó, ông Lê Hồng Hà, Trưởng phòng ATGT, Cục QLĐB II khẳng định: Các dự án nằm bên đường tỉnh lộ khi muốn đấu nối thì phải có chấp thuận của Sở GTVT; còn bên đường quốc lộ thì phải làm hồ sơ trình Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN xin thỏa thuận vị trí đấu nối, chấp thuận thiết kế điểm đấu nối… Tất nhiên, điểm đấu nối phải đảm bảo các quy định tại Thông tư 35/2017/TT-BGTVT, Thông tư 50/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT, trong đó có quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm ATGT.
Nhóm PV
Nguồn bài viết: ATGT.VN