Ẩn họa xe cứu hộ giao thông tự phát
Cứu hộ giao thông là loại hình kinh doanh dịch vụ ít bị ràng buộc pháp lý. Nhiều công ty, cá nhân hoạt động tự phát, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Xe cứu hộ giao thông là dòng xe ô tô chuyên phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm mục đích giải tỏa ách tắc giao thông, cứu người tham gia giao thông gặp nạn. Tuy nhiên, đây là loại hình kinh doanh dịch vụ ít chịu sự ràng buộc về pháp lý nên nhiều công ty, cá nhân đã tự phát hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn.
Hậu quả nhãn tiền
Gần một năm trôi qua kể từ khi chiếc xe cứu hộ giao thông BKS 29C-809.96 lao xuống vực núi tại Km 115+200 QL6 thuộc địa phận xóm Bái, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình làm anh Chu Danh Bình (SN 1991, điều khiển xe cứu hộ) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1982, chủ xe Ford Transit BKS 29B-157.34 được thuê cứu, lúc này anh Tùng ngồi bên ghế phụ xe cứu hộ) tử vong nhưng gia đình nạn nhân vẫn chưa được giải quyết bồi thường.
Ông Phạm Văn Toán, Giám đốc Công ty Yến Nhi cho biết, chiếc xe cẩu kéo BKS 29C-809.96 do đơn vị đứng tên mua hộ, còn chủ xe đích thực lại thuộc về ông Trương Công Nam, một người hàng xóm. Ông Nam là người trực tiếp thu lợi từ chiếc xe và ông này không có ý định bồi thường. Cũng theo ông Toán, công ty của ông không có chức năng cứu hộ giao thông.
Như vậy, Công ty Yến Nhi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề hỗ trợ vận tải đường bộ nhưng lại đứng ra mua xe cứu hộ giao thông và tiếp tay cho một người không có chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ điều hành xe hoạt động trái phép. Và khi xảy ra hậu quả chết người, Công ty Yến Nhi và ông Trương Công Nam đùn đẩy trách nhiệm, khiến gia đình nạn nhân chịu thiệt hại lớn trong thời gian kéo dài.
Vụ việc trên được xem là lời cảnh báo về hệ lụy của xe cứu hộ giao thông tự phát hoạt động trái phép. Gần đây nhất, khoảng 6h30 ngày 5/6, tại Trạm thu phí QL2 qua tỉnh Vĩnh Phúc, chiếc xe dán bảng tên cứu hộ giao thông BKS 99C – 095.xx đâm trực diện vào dải phân làn thu phí khiến xe bị hư hỏng, may mắn tài xế chỉ bị xây xát nhẹ. Sau tai nạn tự gây, tài xế đã đưa chiếc xe rời khỏi hiện trường. Kiểm tra phương tiện trên hệ thống đăng kiểm, chiếc xe này là sở hữu cá nhân, người đứng tên là Nguyễn D.C. (trú tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và không có đăng ký kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, ở các tỉnh, thành: Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… có khá nhiều xe ô tô tải dán biển “cứu hộ giao thông” và chở kéo các phương tiện khác trên đường như xe BKS: 29C-514.xx, 89C-043.xx, 35C-081.xx, 70C- 080.xx, 89C-025.xx… Tuy nhiên, không ai dám khẳng định những chiếc xe này có được đăng ký kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ hay không?
Chất lượng cứu hộ phụ thuộc sự lựa chọn của… khách hàng?
Ông Lê Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, với các phương tiện hoạt động cứu hộ giao thông nhưng không đăng ký kinh doanh, trốn thuế là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chỉ xử lý được khi bắt quả tang cá nhân, đơn vị đang sử dụng loại xe này để vận chuyển, kinh doanh. Do đó, chính quyền địa phương tại nơi chủ xe này sinh sống có nhiệm vụ phải kiểm tra xem họ đã đăng ký kinh doanh chưa.
Theo ông Minh, đặc thù của xe cứu hộ là không có vùng, tuyến và không giống xe taxi hay xe tuyến cố định, đặc biệt đây là loại xe không thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện nên một số đơn vị, cá nhân lách luật để hoạt động trái phép.
Một cán bộ CSGT tỉnh Bắc Giang cho biết, xe cứu hộ giao thông bản chất không khác gì xe tải vì dịch vụ của xe này bao gồm cả vận chuyển, bốc xếp, cẩu kéo và tiềm ẩn nguy hiểm TNGT hơn nhưng lại chưa được quy định về điều kiện kinh doanh. Do đó, nếu cần thiết có thể đưa loại xe này vào danh mục kinh doanh có điều kiện để kiểm soát.
Ông Bùi Xuân Duyên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Giao thông miền Bắc (Cứu hộ 116 – Hà Nội), Chi hội trưởng Cứu hộ giao thông Việt Nam cho biết, vụ xe cứu hộ giao thông gặp nạn ở Hòa Bình làm 2 người chết là bài học xương máu, không những của đơn vị làm dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ mà còn với cả khách hàng khi thị trường này đang có tính tự phát khá lớn.
“Dịch vụ cứu hộ giao thông tùy vào ý tưởng kinh doanh của từng người, từng đơn vị, chuyện bắt chước làm theo là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sự chuẩn bị về mặt phương tiện, tư duy về mặt quản lý, kỹ năng, kỹ xảo riêng của nghề ở những người này chưa hội đủ và làm ăn chộp giật. Giá dịch vụ của các đơn vị không chuyên sẽ rẻ hơn so với giá thị trường dẫn đến chất lượng người lao động, phương tiện và dịch vụ không được đảm bảo, tài xế mới chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành… tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí dẫn đến hậu quả tai nạn chết người”, ông Duyên đánh giá.
Theo ông Duyên, nếu như ở các nước phát triển, việc hành nghề cứu hộ giao thông sẽ buộc phải có chứng chỉ hành nghề do nơi đào tạo chuyên môn cấp. Còn ở Việt Nam hiện chưa có cơ sở nào đào tạo mà thường do các doanh nghiệp tự làm, lấy kinh nghiệm từ thực tế là chính.
“Thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng hơn 100 doanh nghiệp cứu hộ và có khoảng 20-30% trong số đó không đăng ký kinh doanh cứu hộ mà chỉ ra xe để bắt chước dịch vụ, thu lợi và trốn thuế… Nếu coi cứu hộ giao thông là một nghề thì phải được cấp chứng chỉ hành nghề và sau khi đăng ký kinh doanh thì phải có một chứng chỉ tập huấn do Sở GTVT cấp phép”, ông Duyên đề xuất.
Một chuyên gia lĩnh vực cứu hộ giao thông cũng khuyến cáo, để đảm bảo quyền lợi, khách hàng nên thận trọng và có lựa chọn sáng suốt khi gọi dịch vụ cứu hộ, kiểm tra kỹ thông tin về doanh nghiệp xem thủ tục pháp lý có đầy đủ, rõ ràng hay không. Bởi nếu không, một khi xảy ra sự cố, khách hàng chắc chắn nắm phần thiệt, vướng vào những tranh cãi không đáng có.
Hữu Tuấn
Nguồn bài viết: ATGT.VN