Ngăn chặn ma men lái xe: Răn đe phải song hành với giáo dục
Sáng nay (12/11) đã diễn ra tọa đàm tọa đàm trực tuyến “Đã uống rượu bia, không lái xe”
Phòng, chống tác hại rượu bia là bộ luật đi vào cuộc sống nhanh nhất
Đây là khẳng định của Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong tại tọa đàm tọa đàm trực tuyến “Đã uống rượu bia, không lái xe” diễn ra sáng nay (12/11).
“Trong 4 khóa Quốc hội vừa qua, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia là bộ luật đi vào cuộc sống nhanh nhất. Tại sao phải nhanh và nghiêm khắc như vậy? Bởi vì văn hóa Việt Nam khiến cho việc lạm dụng rượu bia quá nhiều. Ngân sách một năm ngành rượu, bia đóng góp rất lớn nhưng tiền chi để điều trị bệnh từ rượu, bia lại lớn gấp đôi. Điều đó tác động tiêu cực tới kinh tế, đời sống, xã hội”, ông Phong nói.
Thời điểm hiện tại, giáo viên thường quan tâm việc bồi dưỡng chuyên môn, ít khi có nhu cầu làm thế nào để dạy môn đạo đức, giáo dục công dân, ý thức tôn trọng pháp luật cho học sinh tốt hơn. Như vậy, ở đâu đó chúng ta đang thiếu vắng một hàm lượng, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo trong việc giáo dục về pháp luật nói chung, đặc biệt là giáo dục về hành vi văn hoá, trong đó có hành vi văn hoá tham gia giao thông cho học sinh. Thế nên, dù nhiều phong trào đã được triển khai như trường học an toàn, giao lưu chuyên đề về ATGT… nhưng đều như “muối bỏ bể”.
PGS. TS Phạm Mạnh Hà , Giám đốc Trung tâm hợp tác, đào tạo bồi dưỡng, Trường Đạo học giáo dục, ĐHQGHN
Liên quan đến kết quả xử lý vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong 11 tháng năm 2020, lực lượng CSGT đã xử lý nồng độ cồn gần 156.500 trường hợp vi phạm. So với cùng kỳ năm 2019, xử lý nồng độ cồn của lực lượng CSGT tăng 5.004 trường hợp, tăng 3,2%.
Tuy nhiên, theo ông Bình công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn hiện còn gặp phải nhiều khó khăn như: chủ phương tiện đã sử dụng rượu bia, có chất kích thích dẫn đến thái độ chấp hành chưa tốt.
Hai là chế tài rất nặng cần phải thiết lập hồ sơ để báo cáo. Quá trình kiểm tra không phải là cảm nhận của cán bộ, chiến sĩ mà phải thông qua máy móc, in phiếu kết quả cụ thể và xác nhận của người vi phạm.
“Theo tính toán, trung bình một trường hợp xử lý nồng độ cồn mất 2 tiếng đồng hồ, với gần 156.500 trường hợp, lực lượng chức năng đã mất 300.000 giờ của cả năm. Cùng đó, một trường hợp vi phạm về nồng độ cồn phải có khoảng 5 cán bộ để thực hiện. Với tỷ lệ ấy, thời gian qua, lực lượng CSGT đã phải bố trí gần 1,6 triệu lượt cán bộ xử lý vấn đề này trong một năm”, ông Bình thông tin.
Ông Phạm Mạnh Hà Giám đốc Trung tâm hợp tác, đào tạo bồi dưỡng, Trường Đạo học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng, Nghị định 100/2019 của Chính phủ khi ra đời đã có những tác động lớn tới nhận thức của xã hội.
Tuy nhiên, quy định hiện nay mới chỉ “nắm được người có tóc, chưa nắm kẻ trọc đầu. Thực tế, có một nhóm đối tượng là thanh niên thường xuyên tham gia giao thông và có sử dụng rượu bia gây ra nhiều vụ TNGT. Song, đối chiếu quy định hiện hành, nhiều thanh niên, thiếu niên khi tham gia giao thông không cần có GPLX, đặc biệt là sử dụng xe dưới 50 phân khối, xe đạp điện, xe máy điện… Những phương tiện này là do phụ huynh đầu tư, nếu bị CSGT xử phạt thì cũng do bố mẹ trả tiền, thậm chí phương tiện đó cũng do bố mẹ gánh chịu còn bản thân người đó không phải chịu trách nhiệm. Điều đó có nghĩa, tính răn đe của pháp luật vẫn chưa có sự bao phủ toàn diện”, ông Hà nói.
Hoàn thiện khung pháp luật, đồng bộ giải pháp giữa phòng và chống
Bàn về giải pháp phát huy hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, ông Đặng Thuần Phong cho rằng, thời gian qua, việc chống, ngăn chặn “ma men” đã tương đối hiệu quả. Hiện chỉ còn thiếu một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật này để đảm bảo được đồng bộ giữa “phòng” và “chống”.
“Trong đó, để nhận thức của người dân đã tốt lên, thay đổi hành vi, việc “uống có trách nhiệm” trở thành phổ biến thì công tác tuyên truyền, giáo dục thực hiện pháp luật vô cùng quan trọng. Nếu không có truyền thông thì nhận thức của người dân không chuyển biến, nhất là các vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin rất khó.
Còn trách nhiệm của Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ phải tiếp tục chỉ đạo xây dựng, thiết lập các quy định, hướng dẫn chi tiết trong dự án luật này như quảng cáo thế nào? Kinh doanh, quản lý rượu thủ công để người dân làm sao? Nguồn lực để phòng chống tác hại của rượu bia, thẩm quyền của người được giao nhiệm vụ thực thi và công nghệ để kết nối khi thực thi luật này…”, ông Phong nói.
Chung quan điểm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, muốn khuyến khích, xử phạt ai thì phải có luật quy định. Vì vậy, việc quan trọng số một là hoàn thiện quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn.
“Sau khi có luật, phải truyền thông, phải làm sao đưa quy định pháp luật đến với người dân, để người dân hiểu đúng Luật Phòng, chống tác hại rượu bia không phải luật chống rượu bia. Đặc biệt, công tác truyền thông phải luôn gắn với lực lượng tuần tra, kiểm sát xử phạt để việc tuyên tuyền pháp luật đến người dân thực tế, khách quan nhất”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, PGS. TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, việc tăng mức xử phạt, răn đe là cần thiết. Tuy nhiên việc răn đe cần phải được tiến hành song hành cùng giáo dục.
“Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của nhiều quốc gia, trong đó, những người vi phạm luật giao thông, tham gia giao thông có sử dụng rượu bia phải hỗ trợ y bác sĩ phục vụ lại những người bị tai nạn tại bệnh viện.
Tại những vùng sâu vùng xa, điều kiện tiếp cận cơ sở y tế khó thì người vi phạm có thể được yêu cầu trở thành tuyên truyền viên. Đến các quán nhậu, cửa hàng rượu, bia dàn tờ rơi tuyên truyền kêu gọi mọi người chấp hành pháp luật. Những hành động này vừa nâng cao tính nhân văn, vừa giáo dục được ý thức trách nhiệm và nhìn thấy luôn hậu quả của việc tham gia giao thông khi uống rượu bia như thế nào”, ông Hà chia sẻ.
Ở góc độ pháp lý, theo Phó Cục trưởng Cục CSGT Đỗ Thanh Bình, tới đây, các cấp chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, có hướng dẫn về sử dụng nồng độ cồn đến ngưỡng nào có khả năng xảy ra tai nạn là phải xử lý hình sự.
“Ngoài ra, nếu việc công khai danh tính của người vi phạm được chấp thuận thì tính răn đe trong thực hiện pháp luật ATGT sẽ rất cao. Tuy nhiên hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính không cho phép làm điều này”, Đại tá Bình nói.
“Từ ngày 15.11 tới, Nghị định 117/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực, chủ xe có thể bị xử phạt từ 5 – 10 triệu đồng nếu không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm tra việc tài xế uống rượu, bia ở thời điểm trước và trong khi lái xe. Theo nguyên tắc, nếu trường hợp các doanh nghiệp vận tải thì chủ phương tiện phải có trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn kiểm tra việc lái xe uống rượu bia trong thời điểm trước và trong khi lái xe. Tôi ủng hộ quan điểm này”.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hộ
Nam Khánh
Nguồn bài viết: ATGT.VN