Xe máy “tranh nhau” lên cầu vượt: Có biển cấm, vì sao không xử lý?
Phớt lờ biển cấm, xe máy vẫn lao lên cầu vượt khung giờ cao điểm và cơ quan chức năng gần như cũng không hề xử lý, ngăn chặn.
Từ năm 2017, khi Hà Nội đưa tuyến buýt nhanh BRT đi vào hoạt động, Sở GTVT lắp đặt biển báo cấm xe máy trong các khung giờ cao điểm tại các cầu vượt trên đường Lê Văn Lương. Tuy nhiên, đến nay, các biển báo này gần như vô hiệu, đa phần người dân chưa chấp hành, vào khung giờ cấm khu vực hai đầu cầu thường xuyên tắc cứng, hàng trăm phương tiện lẫn xe buýt nhanh BRT, ô tô tạt đầu “tranh nhau” lên cầu vượt.
Chiều 25/9, có mặt tại cầu vượt Láng Hạ – Thái Hà – Huỳnh Thúc Kháng, ghi nhận của PV Báo Giao thông, dù hai đầu cầu đã được cơ quan chức năng gắn biển báo cấm xe máy trong các khung giờ: 6h – 9h và 16h30 – 19h để giảm tải lưu lượng phương tiện, tạo điều kiện cho xe buýt BRT lưu thông, song hàng trăm xe máy vẫn lấn vào đường BRT xếp hàng chờ lên cầu tạo “nút cổ chai” ở lối lên cầu, khiến hàng loạt ô tô buộc phải “chôn chân” xếp hàng dài theo sau.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại khu vực cầu vượt Láng – Lê Văn Lương. Có mặt tại đây lúc 17h50 cùng ngày, PV ghi nhận lối lên xuống cầu vượt ở cả hai chiều đều ken kín xe máy, trong khi đây là phương tiện bị cấm lưu thông trên cầu.
Đáng nói, dù vi phạm của xe máy đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài, song gần như các cơ quan chức năng không hề xử lý, ngăn chặn. Trong khi đó, theo Nghị định 46, mức phạt với lỗi này là từ 300.000 – 400.000 đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 1 – 3 tháng.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu hiện nay do sở GTVT các địa phương quản lý, trong khi điều tiết giao thông lại do lực lượng CSGT thực hiện, khiến phát sinh bất cập trong điều hành giao thông. “Khi đã lắp đặt biển báo, lực lượng chức năng có căn cứ xử phạt, trường hợp bất cập từ khi lắp đặt cần phải đề xuất để tổ chức lại hay dỡ bỏ nếu thấy vô tác dụng, không phù hợp.
Lê Tươi
Nguồn bài viết: ATGT.VN