TP.HCM: Xe dù, bến cóc dẹp chỗ này, phình to chỗ khác
Dù TP.HCM chỉ đạo kiên quyết dẹp xe dù, bến cóc nhưng dẹp chỗ này lại phình chỗ khác với quy mô rầm rộ hơn…
“Xe dù” tăng vé Tết hơn 300%
Theo phản ánh của người dân, một trong những điểm nóng của tình trạng xe dù, bến cóc mới xuất hiện là quận Tân Phú và Tân Bình (TP HCM). Ghi nhận của PV Báo Giao thông vào trung tuần tháng 12/2019, trên đường Tân Thành chỉ hơn 1km nhưng có 3 nhà xe mở văn phòng bán vé và đón khách lên xe tại đây.
Khoảng 9h45 ngày 16/12, 8 khách mua vé và chờ lên xe Cẩm Vân (chạy tuyến Sài Gòn – Đà Nẵng – Huế). Đúng 10h, xe khách 45 chỗ BKS 43B-010.55 đậu trước cửa văn phòng nổ máy chở khách đi.
Trong vai hành khách, chúng tôi được chị bán vé nhà xe Cẩm Vân cho biết: “Mỗi ngày có hai chuyến, chuyến 10h và chuyến 12h, khách đến mua vé tại văn phòng rồi đi luôn. Giá vé xe giường nằm ngày thường 380 nghìn đồng/vé, vé ngày Tết 1,2 triệu đồng/vé”.
Đối diện nhà xe Cẩm Vân có một bãi giữ xe tư nhân, sâu bên trong có nhiều xe khách đậu, trong đó có văn phòng của nhà xe Thiện Thành (tuyến Sài Gòn – Kiên Giang). Nhà xe Thiện Thành cũng bán vé và đón, trả khách ngay tại đây. Văn phòng hoành tráng, phục vụ khách ăn uống rất rầm rộ… Khi PV hỏi mua vé về Rạch Giá, một nhân viên bán vé cho biết: “Mỗi ngày xe có 3 khung giờ đi cho khách chọn là 9h -15h – 23h, khách đến mua vé tại văn phòng rồi đi hoặc nếu ở xa có xe trung chuyển phục vụ. Vé ngày thường là 280 nghìn đồng/vé, ngày Tết là 460 nghìn đồng/vé…”.
Tương tự, trên đường Thái Thị Nhạn (quận Tân Bình), đoạn đường chỉ 700m nhưng có hai nhà xe “núp bóng” chạy hợp đồng. Ghi nhận của PV, nhà xe Đại Nghĩa (TP HCM – Quảng Ngãi), bán vé cho khách và và đón trả khách ngay tại trước cửa văn phòng. Trưa 16/12, một xe BKS 76B-010.62 thản nhiên đậu dưới lòng đường ngay trước cửa văn phòng đón khách. Cùng đó, phía sau nhà xe này khoảng 100m còn có thêm nhà xe Chơn Mỹ (Sài Gòn – Quảng Ngãi) cũng công khai tổ chức bán vé và đón, trả khách ngay tại văn phòng.
Đáng nói, các nhà xe được cấp phép hợp đồng nhưng ngang nhiên bán vé đón khách như tuyến cố định, gây mất ATGT, ùn tắc vào các giờ cao điểm khiến người dân sống gần khu vực trên rất bức xúc. Thế nhưng, trong gần một tuần ghi nhận, PV không hề thấy lực lượng chức năng nào kiểm tra hoặc nhắc nhở..
Ngoài ra, tại một số tuyến đường có nhiều xe dù, bến cóc hoạt động tấp nập, liên tục cả ngày lẫn đêm khiến người dân xung quanh ngán ngẩm như: Khu vực chợ Tân Hương (quận Tân Phú), xung quanh Thuận Kiều Plaza, đường An Dương Vương, đường Phó Cơ Điều (quận 5), QL13, QL1A (quận Thủ Đức), cầu vượt Sóng Thần (tỉnh Bình Dương)…
Cơ quan chức năng cũng bó tay?
Theo Sở GTVT TP HCM, trên địa bàn TP hiện có 108 điểm có hoạt động đón, trả khách được cấp phép trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở các đơn vị vận tải, 6 điểm khác tổ chức tại khu vực các cây xăng, tuyến đường, bãi xe… Năm 2018, TP chỉ có 83 điểm và đến nay đã tăng 25 điểm. Trong số đó, địa bàn quận 5 có nhiều điểm hoạt động đón, trả khách nhiều nhất với 47 điểm. Tiếp đến là quận Tân Bình (11 điểm), quận 1 (10 điểm), quận 10 và Bình Thạnh (9 điểm). Riêng những điểm xe dù, bến cóc trong năm 2019 thì chưa thống kê được…
Đem thông tin hai tuyến đường có xe dù, bến cóc mới ở quận Tân Phú và Tân Bình đến gặp ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở GTVT TP HCM, ông Khánh tỏ ra bất ngờ. Ngay sau đó, ông Khánh yêu cầu Đội TTGT số 8 tăng cường kiểm tra và xử lý gấp. Ông cũng cho biết, trước đó, đơn vị đã ra quân xử phạt rất nhiều lần các nhà xe trên, nhưng các doanh nghiệp vẫn đối phó “lách luật” bằng nhiều hình thức.
Đặt vấn đề trách nhiệm chính đối với thực trạng xe dù, bến cóc này thuộc về cơ quan nào? Ông Khánh cho hay, theo chỉ đạo của UBND TP HCM, chủ tịch UBND các quận, huyện sẽ chịu trách nhiệm chính trên địa bàn quản lý về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến xe dù, bến cóc.
Đem vấn đề này hỏi địa phương và được ông Nguyễn Thành Chung, Bí thư Quận ủy quận Tân Phú cho biết, trên địa bàn còn tồn tại những điểm xe dù, bến cóc, đặc biệt tại bãi xe trên đường Tân Thành. Tại đây, quận cũng thường xuyên kiểm tra, xử phạt, tuy nhiên tổ công tác gặp khó khăn khi trong quá trình kiểm tra không bắt gặp xe tổ chức đưa rước tại bến, do nhà xe thay đổi địa điểm đưa rước khách.
Trong khi đó, lãnh đạo Đội CSGT quận Tân Bình cho biết, tuyến đường trên hoạt động khá phức tạp. Khi thấy lực lượng chức năng, các nhà xe chạy xe vào trong nhà đóng cửa nên CSGT không làm gì được, phải phối hợp gọi công an phường xuống kiểm tra xử lý. PV tiếp tục liên lạc với Chủ tịch phường 10, quận Tân Bình để làm rõ thông tin trên, tuy nhiên vị này nhiều lần bận họp, không tiếp!
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP HCM cho biết đã giao Thanh tra tăng cường xử lý những điểm đón trả khách sai quy định. Nếu thanh tra phát hiện nhà xe vi phạm chạy tuyến cố định giả hợp đồng, bán vé lẻ cho hành khách tại văn phòng, không vào bến xe có thể xử phạt và thu hồi phù hiệu ngay.
Tuy nhiên, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM cho rằng, xử lý xe dù không khó, trước tiên TP lập một đoàn liên ngành, kiểm tra liên tục những điểm bất hợp pháp mà vẫn hoạt động, yêu cầu địa phương xử lý và dẹp ngay, nếu tiếp tục tồn tại thì địa bàn sở tại phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, cần áp dụng một số biện pháp khác như thu hồi phù hiệu của xe vi phạm. Đối với những xe lợi dụng sử dụng cùng lúc 2 phù hiệu là hợp đồng và tuyến cố định, khi bị lập biên bản và xử lý, sẽ không được cấp 2 phù hiệu cho xe đã vi phạm và chỉ được cấp một phù hiệu cho 1 xe. Ngoài ra, các bến xe liên tỉnh cần rà soát lại các khoản phí, các thủ tục ra vào bến có gây phiền hà cho các xe.
“Các bến xe cũng cần phối hợp với cơ quan chức năng trong việc xử lý xe dù, không nên vì doanh thu mà xác nhận cho các xe không lấy khách tại bến lại ghé bến xe đóng dấu hợp thức hóa xe chạy tuyến cố định”, ông Tính nói.
Đỗ Loan – Anh Thư
Nguồn bài viết: ATGT.VN