Tin Tức

Theo chân CSGT kiểm tra nồng độ cồn thời dịch

Việc kiểm tra nồng độ cồn vẫn được duy trì thường xuyên với các biện phòng chống dịch virus Corona nhằm ngăn chặn triệt để “ma men” lái xe.

Keyword đầu tiên có dấu
Đội TTKS giao thông số 1, Cục CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai chiều 8/2. Ảnh: Văn Huế

Trước diễn biến phức tạp của dịch virus Corona và những lo ngại về nguy cơ lây nhiễm, việc kiểm tra nồng độ cồn vẫn được lực lượng CSGT trên toàn quốc duy trì thường xuyên nhằm ngăn chặn triệt để “ma men” lái xe. Tất nhiên, các biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và các cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu.

Tài xế tự bóc nilon từng ống thổi

Chiều 8/2, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại Km 6 trên tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai qua địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Tổ công tác của Đội TTKS giao thông đường bộ số 1, Cục CSGT (Bộ Công an) dừng hàng loạt phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn. Tất cả các cán bộ, chiến sỹ của Tổ công tác đều đeo găng tay, bịt khẩu trang.

Sau khi ra tín hiệu dừng phương tiện, CSGT mời tài xế xuống xe, hướng dẫn tài xế ngắn gọn về việc đo nồng độ cồn định lượng (ống thổi) cũng như trong thời điểm dịch bệnh nCoV thì tài xế có thể tự lấy ống thổi hoặc để CSGT giúp. Sau đó, CSGT hoặc tài xế sẽ lấy 1 ống thổi, bóc ra khỏi bịch nilon. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Dũng, là cán bộ được giao nhiệm vụ cầm máy đo nồng độ cồn gắn ống thổi vào máy trước sự chứng kiến của tài xế và tiến hành đo nồng độ cồn.

Sau khi đo nồng độ cồn xong, lực lượng CSGT còn cho tài xế chứng kiến cảnh tháo ổng thổi vứt bỏ vào túi đựng vệ sinh. Khi các tài xế có kết quả không vi phạm, Tổ công tác cảm ơn và mời tài xế tiếp tục hành trình. Thiếu tá Dũng thì tháo bỏ khẩu trang, găng tay, thực hiện sát khuẩn tay và đeo khẩu trang, găng tay mới để chuẩn bị cho việc đo nồng độ cồn một tài xế khác. Khoảng gần 1 giờ đồng hồ, Tổ công tác đã dừng gần 10 ô tô các loại để đo nồng độ cồn tài xế, nhưng không phát hiện trường hợp nào vi phạm.

Thực hiện xong yêu cầu kiểm tra và kết quả không vi phạm, anh Phạm Công Đoàn (SN 1980, ở tỉnh Phú Thọ), tài xế ô tô BKS 19A-140.80 cho biết, nhiều người rất lo lắng việc kiểm tra nồng độ cồn vào thời điểm hiện nay sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm virus Corona. “Những lần trước thổi ống dạng phễu, mọi người dùng chung thì rất lo. Nhưng từ khi có dịch Corona, CSGT kiểm tra nồng độ cồn sử dụng mỗi người một ống thổi, sau đó bỏ đi thì yên tâm”, anh Đoàn nói.

Trước đó, trên tuyến đường Tố Hữu qua địa bàn quận Hà Đông nơi tập trung nhiều quán nhậu, Tổ công tác Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đã dừng ô tô Mazda 3 BKS 30E-130.61 do anh Nguyễn Văn Bình (SN 1991 ở quận Hà Đông) điều khiển. Khi vào chốt, anh Bình được lấy một ống thổi mới còn bọc trong túi nilon, rồi bóc ra. CSGT hướng dẫn anh cắm vào máy đo nồng độ cồn, thổi đều hơi. Kết quả, anh Bình không vi phạm nồng độ cồn.

Tiếp đó, Tổ công tác kiểm tra khoảng 10 tài xế, nhưng đều không có vi phạm.

Ông Trương Anh Quang (60 tuổi ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội) điều khiển ô tô bán tải BKS 29H-090.44 vừa được Tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn cho biết: “Vì đang dịch bệnh nCoV nên khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn, tôi “soi” rất kỹ. Nhưng quy trình kiểm tra mỗi người 1 ống thổi, CSGT thường xuyên sát khuẩn tay, yêu cầu cả tài xế sát khuẩn như thế này thì tôi yên tâm!”.

Đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sỹ

Thiếu tá Đào Hồng Minh, Đội phó Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 1, Cục CSGT cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp, việc tuần tra, xử lý vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn được triển khai đúng theo các quy định của ngành y tế.

Thiếu tá Minh cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT, đối với cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến đường được trang bị khẩu trang, găng tay y tế, cồn sát khuẩn. Đang giai đoạn dịch bệnh nên CSGT không dùng phương pháp đo nồng độ cồn định tính (phễu thổi) mà chỉ dùng ống thổi, mỗi tài xế thổi nồng độ cồn có 1 ống riêng. Tài xế được chứng kiến, được tự tay bóc ống thổi từ túi nilon, cắm vào máy đo nồng độ cồn đến khi CSGT tháo ống thổi vứt vào sọt rác. Kết thúc ca tuần tra, máy đo nồng độ cồn phải thực hiện sát khuẩn.

Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội CSGT số 10, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng cho biết: “Vốn dĩ việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện là thổi ra, vì vậy người dễ lây nhiễm là CSGT. Bởi thế mà CSGT làm nhiệm vụ sẽ phải đeo khẩu trang, găng tay dùng 1 lần, không chỉ lúc đo mà kể cả lúc dừng xe. Trong trường hợp tài xế không có khẩu trang, các Tổ công tác đã chuẩn bị sẵn để phát cho tài xế.

Không để việc xử lý chùng xuống

Tại TP HCM, lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP đã triển khai tới các cán bộ, chiến sĩ đeo khẩu trang y tế khi thực hiện nhiệm vụ. Ngay khi dừng xe, CSGT xin phép người dân đeo khẩu trang trong lúc làm việc đồng thời đề nghị người điều khiển phương tiện tháo khẩu trang để đo nồng độ cồn. Đại diện Phòng CSGT cho biết, hiện CSGT vẫn kiểm tra vi phạm nồng độ cồn như bình thường và không có chuyện chùng xuống vì dịch virus Corona.

Tại Thanh Hóa, trên quốc lộ 1A, 45, 47, 217, 10, lực lượng CSGT vẫn thường xuyên kiểm tra các trường hợp tham gia giao thông vào các khung giờ cao điểm từ 12h – 14h và từ 19 – 22h. Một điều đặc biệt khác so với mọi khi, đó là lực lượng CSGT phải đeo khẩu trang cùng hàng trăm ống thổi một lần được trang bị cho các tổ công tác. Đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, hiện Phòng vừa mua thêm 30.000 ống thổi để phục vụ cho việc kiểm tra (tương đương chi phí khoảng 400 – 500 triệu đồng).

Còn tại Ninh Bình, trên các tuyến đường 477, QL1T, 1A, 10 và trong khu vực các thành phố, huyện thị việc kiểm tra vi phạm nồng độ cồn cũng được triển khai đồng bộ. Ghi nhận trên tuyến QL10 qua địa phận huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cho thấy, lực lượng CSGT thuộc Đội tuần tra giao thông nội tỉnh liên tục dừng xe và thay ống thổi. Những chiếc ống mới đặt trong hộp bảo quản rất kỹ. Khi tài xế thổi xong thì được tháo bỏ vào túi nilon để mang về tiêu hủy.

Thượng tá Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, không ít người dân nghĩ rằng đang đợt dịch thì CSGT không đo nồng độ cồn nữa. Tuy nhiên, khi thấy các cán bộ, chiến sĩ đeo khẩu trang làm nhiệm vụ thì họ đã không còn bất ngờ và tất cả đều rất ủng hộ.

Tương tự, tại Sơn La, việc xử lý nồng độ cồn vẫn đang được lực lượng CSGT địa phương này duy trì như trước đây. Duy chỉ có điều khác là trước khi vào ca công tác, tất cả đều rửa tay sát trùng, đeo khẩu trang và găng tay. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khi được yêu cầu kiểm tra cũng tỏ ra khá bất ngờ vì CSGT sử dụng ống thổi chứ không phải là phễu như trước. Đáng chú ý, tại huyện Thuận Châu, CSGT cũng đã trang bị bong bóng để phục vụ công tác kiểm tra nồng độ cồn giống như ở Sóc Trăng.

Tại Điện Biên, Đại tá Giàng Páo Sính, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, hiện ý thức của người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên rất nhiều sau khi có Nghị định 100. Với việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn được duy trì liên tục từ trước Tết đến nay, kể cả khi dịch virus Corona bùng phát, vi phạm nồng độ cồn đã giảm rất rõ rệt.

Tại địa bàn các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, TP Hải Phòng…, lực lượng CSGT Công an tỉnh cũng quán triệt tới các cán bộ, chiến sĩ và các đơn vị về việc thực hiện đầy đủ hướng dẫn, quy trình phòng virus Corona của Bộ Y tế. Nhờ đó, tất cả các tài xế được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đều vui vẻ chấp hành.

Thực hiện nghiêm quy trình để đảm bảo an toàn

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế vừa có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông.

Theo đó, tại những thời điểm có dịch bệnh như hiện nay, hoạt động kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở phải được thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình, yêu cầu. Lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ cần áp dụng các biện pháp bảo hộ cá nhân và tuân thủ theo các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế.

Về cách thức đo nồng độ cồn gián tiếp bằng việc “thổi qua bong bóng” ở Sóc Trăng, ông Phu cho rằng: “Chỉ cần thực hiện theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế như dùng riêng ống thổi cho từng người, sát khuẩn thiết bị đo, tuân thủ đúng quy trình. Còn việc thổi qua bong bóng với mỗi người một quả bóng thì cũng tương đương, mỗi đơn vị có một cách, cần thực hiện xem hiệu quả mang lại đến đâu”.

Vũ Anh

Tài xế đồng tình với sáng kiến thổi bong bóng

Keyword đầu tiên có dấu
CSGT Sóc Trăng dùng bong bóng kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe

Trước diễn biến phức tạp của dịch virus Corona, lực lượng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra sáng kiến dùng bong bóng để gián tiếp đo nồng độ cồn đối với lái xe.

Tối 5/2, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt tại chốt kiểm tra của Tổ công tác Trạm CSGT Mỹ Xuyên (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng), được lập trên đường Phú Lợi (phường 2, TP Sóc Trăng). Theo ghi nhận, các dụng cụ y tế cần thiết cho việc kiểm tra nồng độ cồn bằng phương pháp mới (gồm: Găng tay, khẩu trang, ống đo y tế, bong bóng…) đều được chuẩn bị sẵn sàng.

Tổ công tác cử 2 cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn. Trong đó, 1 cán bộ cầm máy đo và cán bộ còn lại dùng bong bóng có gắn ống thổi y tế đã được sát khuẩn để lái xe thổi vào đó. Khi vừa đủ hơi, cán bộ chủ động ngắt, rồi đưa vào máy đo. Sau đó máy sẽ phân tích và cho ra kết quả như phương pháp kiểm tra trực tiếp.

Chia sẻ với PV về sáng kiến mới của CSGT Sóc Trăng, anh Trương Thanh Xuân (trú phường 2, TP Sóc Trăng) cho biết, việc sử dụng phương pháp này sạch sẽ, an toàn hơn khi ống thổi đã được sát trùng. Tương tự, anh Trần Lê Trung Chánh (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) chia sẻ: “Trước đây, thổi trực tiếp qua máy đo thì tôi cũng nghi ngờ không biết ống thổi có được vệ sinh hay không. Còn bây giờ dùng bong bóng để gián tiếp kiểm tra thì tôi yên tâm hơn nhiều. Chắc chắn không chỉ riêng tôi mà nhiều người dân đều sẽ đồng tình với sáng kiến này”.

Theo Đại úy Võ Thành Việt, Trưởng trạm CSGT Mỹ Xuyên, nhìn chung, qua vài ngày thực hiện phương pháp mới, người tham gia giao thông rất ủng hộ, chưa có trường hợp nào phản ứng hay gây khó dễ cho lực lượng thực thi công vụ. Tính đến nay, đã phát hiện 15 trường hợp vi phạm.

Đại tá Phạm Minh Khả, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, trước mắt, Phòng chỉ thực hiện thí điểm tại Trạm CSGT Mỹ Xuyên (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên). “Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu loại bong bóng đã được sát khuẩn để bảo đảm hơn. Quá trình thực hiện anh em sẽ rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn phương pháp này”, Đại tá Khả cho hay.

Gia Minh

Nhóm PV
Nguồn bài viết: ATGT.VN

Show More
Back to top button
Liên Hệ0931837555

Adblock Detected

Please consider supporting us by disabling your ad blocker