Thêm giải pháp đảm bảo an toàn sau vụ tàu qua đường ngang cần chắn mới hạ
Cục Đường sắt VN vừa có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn sau vụ việc tàu qua đường ngang cần chắn mới hạ…
Cục Đường sắt VN tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thi công, an toàn chạy tàu đối với hạ tầng đường sắt. Ảnh: một điểm thi công gói 7.000 tỷ gần đường ngang
Cụ thể, Cục Đường sắt VN yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, an toàn chạy tàu tại các vị trí thi công trên đường sắt đang khai thác; Các vị trí đường ngang trong phạm vi thực hiện các dự án.
Trong quá trình kiểm tra đặc biệt lưu ý các vị trí đường ngang cảnh báo tự động; Các điểm xung yếu như: cầu, công trình phụ tạm, các địa điểm bố trí, sử dụng máy móc, thiết bị thi công công trình. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn chạy tàu, an toàn trong quá trình thi công đối với các dự án đang triển khai thi công trên đường sắt.
Cục Đường sắt VN cũng cho biết, đây là biện pháp tăng cường do vào tháng 3/2021 xảy ra vụ việc tàu đang qua đường ngang cảnh báo tự động, cần chắn mới hạ tại đường ngang Km1202+970 tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM (thuộc địa bàn huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa).
Nguyên nhân được xác định là do tại khu vực có điểm thi công gói 7.000 tỷ nâng cấp, cải tạo đường sắt Bắc – Nam, ảnh hưởng đến hoạt động bình hành của hệ thống cảnh báo tự động đường ngang, gây nguy cơ tai nạn.
Sau vụ việc, Tổng công ty Đường sắt VN đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn lao động, an toàn các công trình kết cấu hạ tầng đường sắt bị ảnh hưởng và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp an toàn khi cần thiết.
Cùng với kiểm tra các điểm thi công đường sắt, Cục Đường sắt VN cũng tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn trong công tác tổ chức chạy tàu, đảm bảo trật tự, ATGT đường sắt trong đợt vận tải cao điểm phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5.
Trong đó, tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất tại các đơn vị đang quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là các địa điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt.
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt tại các vị trí xung yếu, đường cong bán kính nhỏ, các vị trí điểm đen dễ xảy ra tai nạn; Việc chấp hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt, quy trình tác nghiệp kỹ thuật của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ tuần cầu, tuần đường, gác cầu chung, gác đường ngang…
Kỳ Nam
Nguồn bài viết: ATGT.VN