Tin Tức

Tài xế giả báo mất để né tạm giữ bằng lái

Một số tài xế khi vi phạm giao thông đã khai gian về việc mất GPLX để không bị tạm giữ, dù pháp luật đã có quy định xử lý nghiêm hành vi này.

Tài xế giả báo mất để né tạm giữ bằng lái 1

Khi Đội CSGT số 11 (Hà Nội) lập biên bản xử phạt thanh niên điều khiển mô tô với tốc độ gần 300km/h trên Đại lộ Thăng Long, người này nói mất GPLX, chấp nhận nộp phạt lỗi không có GPLX. Tuy nhiên ở thời điểm thuê xe phân khối lớn cách đó 1 ngày, tài xế này vẫn trình GPLX A2

Thà nộp phạt còn hơn bị tước GPLX?

Đêm 20/3, anh Nguyễn Quang M. (SN 1991, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) lập biên bản vì vi phạm nồng độ cồn mức 0,270 miligam/1 lít khí thở. Theo quy định, anh M. ngoài việc bị phạt tiền còn bị tạm giữ xe 7 ngày và tước GPLX 23 tháng.

“Tôi khai mất GPLX và chấp nhận nộp phạt 1.000.000 đồng lỗi không có GPLX. Công việc hàng ngày của tôi là đi giao hàng, tước GPLX cả năm thế thì tôi mưu sinh thế nào?”, anh M. giải thích lý do nói dối.

Trước đó, anh Trần Trung K. (SN 1995, trú quận Tây Hồ, Hà Nội) điều khiển xe máy phân khối lớn chạy tốc độ gần 300km/h trên Đại lộ Thăng Long. Khi đến trụ sở Đội CSGT số 11 (Phòng CSGT Hà Nội), anh K. cũng nói bị mất GPLX, chấp hành nộp phạt tiền lỗi không GPLX là 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, thời điểm thuê chiếc xe này, anh K. vẫn trình đầy đủ GPLX hạng A2.

Hay tại ngã ba Nguyễn Văn Lộc – Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội), lực lượng CSGT phát hiện ô tô SantaFe BKS 30F – 130.91 do một người đàn ông điều khiển say xỉn, dừng chờ đèn đỏ và… ngủ luôn trên xe.

Sau đó, khi được CSGT đánh thức, tài xế này không chấp hành yêu cầu thổi nồng độ cồn mà bỏ đi. Hôm sau, tài xế này lên trụ sở Đội CSGT số 7 để giải quyết và khai báo không có GPLX, chấp nhận nộp phạt thêm 5.000.000 đồng thay vì sẽ bị tước bằng lái 2 năm.

Thiếu tá Nguyễn Việt Anh (Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, theo Nghị định 100, có nhiều vi phạm bị tước GPLX như tài xế có nồng độ cồn, ma túy, đi vào đường cao tốc, đi vào đường cấm, chở quá số người quy định…

“Như với lỗi vi phạm nồng độ cồn, tài xế bị giữ GPLX 10 – 12 tháng (mức nhẹ) hoặc 22 – 24 tháng (mức nặng). Đó có thể là lý do khiến nhiều tài xế gian dối báo mất bằng, chấp nhận nộp phạt rồi vẫn tham gia giao thông. Nếu bị phát hiện hành vi gian dối, tài xế sẽ bị phạt nặng”, Thiếu tá Nguyễn Việt Anh nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, chỉ những trường hợp người điều khiển xe gây tai nạn, thiệt hại về tài sản hoặc thương vong, cảnh sát mới tiến hành tra cứu, xác minh sâu và lúc đó mới biết tài xế có mất GPLX hay không. Còn bình thường, nếu tài xế khai báo gian dối xong vẫn sử dụng GPLX đó tham gia giao thông thì kể cả khi tái phạm, bị xử lý ở lần tiếp theo cũng không bị truy cứu hành vi từng khai báo mất GPLX.

Cần tăng mức phạt lỗi không có GPLX

Tài xế giả báo mất để né tạm giữ bằng lái 2

Đội CSGT số 12 (Hà Nội) lập biên bản lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn trên QL6

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) cho hay, quá trình xử lý vi phạm, khi người vi phạm khai báo mất GPLX, CSGT sẽ xử phạt mức 800.000 – 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe máy, 4.000.000 – 6.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô.

Đại diện Cục CSGT cho biết, giữa Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ VN cũng như lực lượng CSGT và ngành giao thông các tỉnh, thành phố hiện nay đã chia sẻ dữ liệu về GPLX để thống nhất quản lý và xử lý vi phạm. Do đó, khi tài xế báo mất GPLX, lực lượng CSGT sẽ phối hợp, kiểm tra thông qua hệ thống dữ liệu để xác định thông tin này có chính xác hay không, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những người khai báo gian dối.

“Trong quá trình giải quyết thủ tục xử phạt hoặc khi xử phạt lần thứ hai, hoặc cấp đổi GPLX mà cơ quan chức năng phát hiện tài xế gian dối thì sẽ bị xử lý theo Thông tư 12 của Bộ GTVT và Nghị định 100. Cụ thể, người nào khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch mới, cấp lại GPLX… thì bị phạt từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng”, Thiếu tá Tiến cho hay.

Tuy nhiên, Thiếu tá Tiến cũng cho rằng, dù đã có chế tài nhưng so với việc bị tạm giữ GPLX thời gian dài, rất nhiều tài xế vẫn báo mất, chấp nhận nộp phạt lỗi không có GPLX. Họ có tâm lý kể cả khi tái phạm cũng không ai đi rà soát, kiểm tra lại kết quả xử lý lần trước thế nào.

“Giải pháp giải quyết vấn đề này là phạt thật nặng hành vi điều khiển phương tiện không có GPLX hoặc tăng số ngày tạm giữ phương tiện”, Thiếu tá Tiến đề xuất.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, Bộ Công an đang hoàn tất dữ liệu dân cư quốc gia dùng chung, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng xác minh, làm rõ hành vi mất GPLX thực sự hay chỉ là gian dối.

“Khi có hệ thống dữ liệu dùng chung, việc tài xế khai báo cứ khai báo nhưng lực lượng chức năng phải tra cứu thông tin, dữ liệu để xác định vi phạm. Với người đã khai mất GPLX một lần, hệ thống sẽ hiển thị tình trạng đã mất GPLX và ở lần phạt thứ hai, nếu người này lại trình GPLX cấp trước thời điểm phạt lần 1 thì sẽ “lộ tẩy” hành vi gian dối”, luật sư Cường phân tích.

Gian dối sẽ bị thu bằng, 5 năm không được thi lại

Thừa nhận có thực trạng khai báo gian dối mất GPLX, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ VN) đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi không mang GPLX khi điều khiển phương tiện.

“Người vi phạm cố tình báo mất khi làm việc với CSGT nhưng lại không khai báo với cơ quan quản lý GPLX nên cũng không có dữ liệu, dẫn đến khó phát hiện và xử lý. Hiện không có cơ sở để bổ sung hành vi cố tình khai báo mất GPLX vào cơ sở dữ liệu quản lý GPLX mà phải từ việc lực lượng CSGT thông báo cho cơ quan cấp phép trong quá trình xử lý vi phạm”, ông Thống khẳng định.

Theo ông Thống, khi một người mất GPLX và khai báo xin cấp lại, trên cơ sở dữ liệu quản lý GPLX sẽ biết được người đó đang trong thời gian 2 tháng xác minh. Trong trường hợp người vi phạm đang bị tạm giữ GPLX mà xin cấp lại với lý do gian dối bị mất, khi tra cứu phát hiện người đó gian dối (còn GPLX nhưng bị công an tạm giữ) thì GPLX đó sẽ bị thu hồi và người đó bị cấm học và thi lại GPLX trong 5 năm.

Đề cập đến liên thông kết nối giữa dữ liệu quản lý GPLX và dữ liệu xử lý vi phạm của lực lượng CSGT, ông Thống cho biết, Tổng cục đã nhiều lần gửi văn bản sang Cục CSGT về việc dữ liệu xử lý vi phạm chưa đầy đủ, nhất là đối với các trường hợp tước quyền sử dụng GPLX và tạm giữ. Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm mới cập nhật dữ liệu của lực lượng CSGT, trong khi lực lượng cảnh sát khác cũng tạm giữ nhưng chưa được cập nhật đầy đủ nên không có dữ liệu.

Trần Duy

Lưu Huế
Nguồn bài viết: ATGT.VN

Show More
Back to top button
Liên Hệ0931837555

Adblock Detected

Please consider supporting us by disabling your ad blocker