Sử dụng container chở hàng là sai mục đích
Nhiều đơn vị vận tải hay dùng vỏ container cắt nóc rồi gia cố vào để chở hàng rời bởi thể tích được nhiều hơn mà không bị đo quá khổ.
Hình ảnh chiếc xe ô tô sử dụng thùng xe là container cũ nát để chở hàng Ảnh: FB Hung Viet Ngo
Mới đây, hình ảnh một chiếc xe ô tô đầu kéo sơ-mi rơ-moóc BKS 15R-050.14 sử dụng thùng container chở hàng hóa đã nhận được sự quan tâm lớn trên một diễn dàn mạng xã hội có hơn 300.000 thành viên.
Đáng nói, thùng container được sử dụng vận chuyển hàng hóa (giống sắt vụn) của chiếc xe này đã khá ọp ẹp, méo mó, biến dạng những tài xế vẫn chất đầy hàng hóa vào thùng và ung dung cho xe điều khiển theo hướng cầu Thanh Trì – Gia Lâm trước sự quan ngại và lo sợ của các phương tiện lưu thông bên cạnh.
Một số người có chuyên môn cho rằng, nhiều đơn vị vận tải hay dùng vỏ container cắt nóc rồi gia cố vào để chở hàng rời bởi thể tích được nhiều hơn mà không bị đo quá khổ. Tính tải trọng trên trục sẽ đỡ hơn chạy xe tải thùng do container nhiều bánh hơn.
Đáng nói, tình trạng sử dụng container “biến hóa” thành thùng chở hàng vật liệu đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các cung đường. Trước đó, tháng 5/2020, lực lượng Thanh tra GTVT Hà Nội trong quá trình làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sa, huyện Đông Anh đã phát hiện, xử lý xe đầu kéo BKS 90C-090.90 vượt tải trọng 126%, không có giấy chứng nhận kiểm định rơ-moóc.
Theo phản ánh trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, những chiếc xe sử dụng thùng xe “giống” container cắt nóc để chở hàng rời còn xuất hiện nhiều trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Thanh tra đường bộ, Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ VN) nhận định, việc container chở vật liệu rất nguy hiểm. Thông thường, các xe chở vật liệu tỷ trọng lớn, đặc biệt là vật liệu xây dựng sẽ được thiết kế thùng xe chắc chắn để loại trừ nguy cơ vỡ thành thùng.
“Do đó, việc sử dụng vỏ container chuyên chở hàng nhẹ để chở các mặt hàng khối lượng lớn sẽ tạo ra nguy cơ vỡ vẫn rất cao, mức độ rủi ro mất ATGT trên đường rất lớn”, lãnh đạo này nói và cho biết, hiện tượng này cũng đang xuất hiện tại một số tỉnh như: Quảng Ninh, Hà Nam, Hà Nội.
Đại diện Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, bên cạnh việc xử lý các hành vi liên quan, cơ quan đăng kiểm phải xử lý nghiêm lỗi phương tiện sử dụng thùng giả theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và tem kiểm định của phương tiện từ 1 – 3 tháng.
Nam Khánh
Nguồn bài viết: ATGT.VN