Nỗ lực bám đường, thông tuyến trong mưa lũ
Nhiều công nhân sửa chữa đường bộ Quảng Nam – Đà Nẵng vẫn nỗ lực bám đường, thông tuyến sạt lở đường HCM, Trường Sơn Đông…
Nhà bị sạt lở, hư hại, người thân mắc trọng bệnh cần người chăm sóc… tuy nhiên nhiều công nhân sửa chữa đường bộ Quảng Nam – Đà Nẵng vẫn nỗ lực bám đường, thông tuyến sạt lở đường HCM, Trường Sơn Đông, đảm bảo giao thông bước 1.
“Chỉ chậm 1 phút, chúng tôi dễ bị vùi lấp”!
Tranh thủ điện vài giây hỏi thăm vợ đang nằm chờ sinh trong bệnh viện, anh Nguyễn Văn Thìn (45 tuổi, thị trấn Prao, Đông Giang, Quảng Nam), công nhân Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam – Đà Nẵng lại tất bật công tác hót dọn, khơi thông cống rãnh, điều tiết giao thông tại vị trí Km 449+100 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua địa bàn Đông Giang.
Phía sau, một đống sạt lở lớn cắt mặt đường đang được các mũi thi công khẩn trương hót dọn. Ngày 11/10, mưa lớn liên tục đã khiến đoạn tuyến này trở thành điểm nóng sạt lở. Ước tính 16.000m3 đất đá, tương đương cả ngọn núi đổ xuống đoạn Km 449+100, khiến giao thông bị tê liệt hoàn toàn, với chiều dài đoạn tuyến 120m.
3 máy đào, 2 ô tô tải được tăng cường lên hiện trường, hót dọn 24/24h không ngừng nghỉ. Anh Thìn là 1 trong hàng chục công nhân trực tiếp bám đường khắc phục mưa lũ tại đây những ngày qua.
Anh Thìn kể, thời điểm này, đoàn vừa đi kiểm tra dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, từ khu vực Thủy điện sông Bung 5 (Km 479+100), về đến Km 457+500 thì bất ngờ bị sạt lở. “Lúc này khoảng hơn 15h30 chiều 11/10, chỉ cần anh em chậm một chút cả người và xe sẽ bị đất đá sạt lở, đẩy xuống vực taluy âm”, anh Thìn nói.
Xe ô tô không thể di chuyển, anh đi bộ về phía Km 449+100, phát hiện cả quả đồi đã sạt xuống mặt đường. Không thể băng qua trực tiếp, anh Thìn lấy đèn pin, rựa, cắt rừng lên phía đỉnh đồi sạt lở, suốt 2 tiếng đồng hồ mới có thể đi qua.
Hơn tuần lễ túc trực thông đường Km 449+100 cũng là lúc anh nhận tin ngôi nhà cấp bốn ở thị trấn Prao của gia đình mình đã bị đất đá sạt lở làm sập mái nhà, tường rào. Chị Phạm Thị Yến (vợ anh Thìn, đang mang thai) cùng 2 con nhỏ tất tả sang nhà hàng xóm rồi vào bệnh viện để trú tránh, chờ sinh.
“Gia đình không ai ở trên Đông Giang cả, mọi việc hai vợ chồng chăm sóc lẫn nhau, giờ vợ nằm chờ sinh, mình cũng lo lắng nhưng nhiệm vụ trước mắt là làm sao thông đường, đảm bảo ATGT cho người dân qua lại”, anh Thìn nói.
Tương tự, trường hợp anh Lê Thế Quỳnh (công nhân Hạt QLĐB Tây Giang, Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam – Đà Nẵng) nén lại những lo toan căn nhà bị nước lũ xói sạt tường nhà và cuốn trôi chuồng trại chăn nuôi, để tập trung bám đường, lái máy xúc lật hót dọn điểm sạt lở.
Trên đống đất đá ngập quá mặt người, tiếng máy xúc gầm gừ, liên tục xúc đất, hót dọn. “Từ chiều 15/10 vừa qua, điểm nóng sạt lở Km 449+500 được thông xe một vệt, nhưng khối lượng sạt lấp vẫn còn nhiều, anh em nỗ lực tối đa để thông xe 2 vệt sớm nhất có thể”, anh Quỳnh nói.
Tranh thủ giờ nghỉ giữa trưa, mọi người hỏi thăm anh Dương Tấn Vinh (cán bộ kỹ thuật Hạt QLĐB Nam Giang) về bệnh tình ung thư của mẹ ở dưới Đại Lộc (Quảng Nam). Những ngày mưa lũ vừa qua, căn nhà anh Vinh bị ngập sâu trong nước, mẹ già bị ung thư cần người chăm sóc… nhưng anh Vinh không thể ở nhà.
“Đặc thù công nhân cầu đường những ngày bão lũ phải bám trụ với đường để kịp thời phát hiện, sửa chữa tạm, đảm bảo giao thông, cảnh báo người dân”, anh Vinh nói.
Cơ động nhưng đảm bảo an toàn
Thống kê dọc hệ thống tuyến quốc lộ qua địa bàn miền Trung phát sinh hơn 300 vị trí sạt lở taluy dương, taluy âm. Trong đó, chỉ riêng các tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, 14G… qua địa bàn Quảng Nam đã có hơn 200 vị trí sạt lở, 2 vị trí bị cắt đường không thể lưu thông nhiều ngày liền.
Ông Thái Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam – Đà Nẵng cho hay, đơn vị huy động tối đa nhân, vật lực để triển khai ứng trực, đảm bảo giao thông bước 1 tại các vị trí sạt lở trên tuyến đường HCM nhánh Đông, nhánh Tây, đường Trường Sơn Đông, QL1… Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề, nhiều nhà cửa của anh em công nhân bị ảnh hưởng, nhưng mọi người gác việc nhà để tập trung nhiệm vụ.
Cục phó Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN) Nguyễn Thanh Bình cho hay, ngay khi xảy ra sạt lở, cục chỉ đạo các chi cục bố trí lực lượng chức năng để tiến hành cảnh báo, điều tiết giao thông, khẩn trương khắc phục, đảm bảo giao thông tạm.
“Địa hình đồi núi hiểm trở, điều kiện thi công, di chuyển khó khăn, nhưng các đơn vị nỗ lực bám đường, đẩy nhanh tiến độ hót dọn, thông đường”, ông Bình nói.
Theo ông Tiết Đình Quang, Trưởng phòng ATGT (Cục QLĐB III), đến nay, các vị trí cắt đường đã được thông xe ít nhất 1 vệt. Tuy nhiên, tại các vị trí sạt lở vẫn còn hàng ngàn khối đất đá đang tràn lấp mặt đường, xuất hiện ổ gà trên mặt đường… cần tiếp tục triển khai xử lý.
Trực tiếp kiểm tra hiện trường, đôn đốc công tác khắc phục sạt lở các tuyến quốc lộ dọc miền Trung mới đây, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường yêu cầu lực lượng chức năng chủ động đảm bảo “4 tại chỗ”, tăng cường nhân, vật lực để đẩy nhanh công tác khắc phục, hót dọn, khơi thông lề rãnh, ngăn chặn nguy cơ phát sinh hư hỏng.
Đặc biệt, đảm bảo giao thông bước 1, ATGT để hạn chế ách tắc và thiệt hại cho người dân. Theo ông Cường, công tác khắc phục bão lũ phải cơ động, kịp thời nhưng đảm bảo an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng chỉ đạo Công an, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam chủ động kế hoạch triển khai lực lượng tại các vị trí ngập sâu, hư hại trên các tuyến quốc lộ, giao thông huyết mạch để phân luồng, điều tiết, đảm bảo giao thông.
Dồn lực chống bão lũ, không phân biệt quốc lộ hay đường địa phương
Hôm qua (20/10), tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn của Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng ATGT, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN (Bộ GTVT) cho biết, trước bối cảnh các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, Bộ GTVT đã huy động hơn 300 máy công trình, máy phát điện để đảm bảo ATGT, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
“Những ngày sắp tới, mưa lũ dự báo còn diễn biến phức tạp, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, các đơn vị phải tiếp tục huy động tối đa nguồn lực dự phòng, vật tư cần thiết hỗ trợ các tỉnh miền Trung trong công tác cứu hộ, cứu nạn, không phân biệt đường Trung ương hay địa phương.
Trong đó, Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát sao diễn biến mưa, lũ trên tuyến QL1, sau khi lũ rút, vị trí nào hư hỏng phải khắc phục ngay”, ông Thạch đề nghị.Ông Thạch cũng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục huy động các phương tiện, máy móc, sẵn sàng tham gia công tác thông đường, giải tỏa ách tắc khi được yêu cầu.
“Tổng cục và các cục liên quan cũng phải rà soát, thống kê những hư hỏng, thiệt hại thuộc lĩnh vực quản lý để báo cáo Bộ GTVT bố trí kinh phí hợp lý và đề xuất các cấp chức năng xem xét phê duyệt kinh tế dự phòng kịp thời để công tác cứu hộ, cứu nạn diễn ra thuận lợi”, ông Thạch nói.
N.Khánh
Xuân Huy
Nguồn bài viết: ATGT.VN