Tin Tức

Nhân viên gác đường ngang phải thao tác những gì khi tàu sắp qua?

Ngành Đường sắt quy định cụ thể quy trình thao tác mà nhân viên gác đường ngang phải thực hiện để đảm bảo an toàn khi tàu qua…

Nhân viên gác đường ngang phải thao tác những gì khi tàu sắp qua? 1

Ngành Đường sắt quy định rõ quy trình thao tác mà nhân viên gác đường ngang phải thực hiện để đảm bảo an toàn khi tàu qua. Ảnh: minh họa

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông tại các đường ngang có nhân viên đường sắt trực gác.

Điển hình là vụ tai nạn xảy ra ngày 24/5/2018, tại đường ngang có gác chắn tại khu gian ga Khoa Trường, Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), tàu SE19 đâm vào ô tô tải chở đá, hậu quả: 2 lái tàu tử nạn và nhiều người khác bị thương.

Gần đây nhất, sáng 7/3/2021, tại đường ngang có nhân viên gác chắn Km 901+580 tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), tàu hàng SH3 đâm vào ô tô 7 chỗ, làm 1 người tử vong, 2 người khác bị thương.

Vậy quy trình tác nghiệp của nhân viên gác đường ngang được quy định ra sao để đảm bảo an toàn khi tàu qua đường ngang?

Một chuyên gia an toàn giao thông đường sắt cho biết, theo quy trình chung, khi tàu chạy tại ga hoặc thông qua ga, trực ban chạy tàu nhà ga sẽ gọi điện báo cho nhân viên gác đường ngang gần ga nhất. Tùy theo quy định phải thực hiện đóng đường ngang trước khi tàu đến bao nhiêu phút, nhân viên gác đường ngang sẽ thực hiện thao tác bật tín hiệu cảnh báo phía đường bộ như đèn, chuông, sau đó hạ cần chắn hoặc kéo dàn chắn, đóng kín đường ngang.

Khi hai bên đường bộ đóng hoàn toàn, an toàn cho tàu qua thì nhân viên khai thông biển đỏ phía đường sắt, báo hiệu cho lái tàu điều khiển tàu qua đường ngang. Tiếp theo, nhân viên gác đường ngang vào vị trí đón tàu và làm tín hiệu đón tàu qua đường ngang.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, tùy thuộc đặc điểm kĩ thuật của mỗi đường ngang như: đường ngang cấp mấy, vị trí, lưu lượng phương tiện giao thông đường bộ qua lại, có bao nhiêu nhân viên gác đường ngang… mà quy trình tác nghiệp, các thao tác của nhân viên gác chắn tại đường ngang đó được quy định cụ thể, do đơn vị quản lý đường ngang xây dựng quy tắc tỉ mỉ.

Nhân viên gác đường ngang phải thao tác những gì khi tàu sắp qua? 2

Nguyên nhân vụ TNGT giữa ô tô và tàu hỏa ở Quảng Ngãi vào sáng 7/3/2021 làm 1 người chết, 2 người bị thương đang được đơn vị đường sắt và Công an địa phương tích cực điều tra, làm rõ

Thông tư 25/2018 về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt, tại khoản 2 Điều 23 quy định: “Chắn đường ngang bắt đầu đóng từ phía bên phải đường bộ (theo hướng đi vào đường ngang) sang phía trái. Trường hợp đường ngang có nhiều chắn phải đóng chắn phía bên phải trước. Khi chắn đã đóng phải ngăn toàn bộ mặt đường bộ”.

Điều 23, khoản 4 cũng quy định thời gian đóng chắn. Cụ thể, hai phía đường bộ đi vào đường ngang phải được đóng chắn hoàn toàn trước khi tàu đến đường ngang ít nhất: 60 giây đối với chắn điện và tời; 90 giây đối với chắn thủ công. Không đóng chắn trước quá 3 phút đối với đường ngang cấp I, cấp II và quá 5 phút đối với đường ngang cấp III trước khi tàu đến đường ngang; trừ đường ngang có quy định riêng của Bộ GTVT.

Đối với người tham gia giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang, Điều 31 quy định, phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt. Phải chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các báo hiệu trong phạm vi đường ngang.

Khi có báo hiệu dừng bằng đèn tín hiệu (đèn đỏ sáng nháy), cờ đỏ, biển đỏ, còi, chuông hoặc loa phát âm thanh kêu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, hiệu lệnh của nhân viên gác chắn, người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước vạch “Dừng xe”.

Kỳ Nam
Nguồn bài viết: ATGT.VN

Show More
Back to top button
Liên Hệ0931837555

Adblock Detected

Please consider supporting us by disabling your ad blocker