Tin Tức

Làm gì để xử lý dứt điểm xe khách trá hình?

Nhiều doanh nghiệp bức xúc trước vấn nạn xe trá hình chưa được xử lý dứt điểm, nhất là khi Nghị định 10 có nhiều quy định để chấn chỉnh.

Bà Phan Thị Thu Hiền

Báo Giao thông trao đổi với bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Đường bộ VN về vấn đề này.

Tác động tiêu cực đến thị trường vận tải

Bà đánh giá thế nào về thực trạng xe trá hình hiện nay, nhất là từ khi Nghị định 10 và Thông tư 12 của Bộ GTVT có hiệu lực?

Sau hơn ba năm thực hiện chủ trương siết chặt kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, tình hình ATGT có nhiều chuyển biến, TNGT do xe ô tô kinh doanh vận tải khách được kéo giảm sâu.

Việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng xe hợp đồng, đặc biệt là xe hợp đồng trá hình vận tải hành khách tuyến cố định đang có diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương, nhất là tại các thành phố lớn.

Xe hợp đồng hoạt động trá hình đã dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa xe hợp đồng với xe tuyến cố định. Nhiều xe tuyến cố định sẵn sàng bỏ bến, bỏ tuyến để ra hoạt động vận chuyển khách theo hợp đồng.

Nhiều hội nghị được tổ chức để tìm giải pháp quản lý xe hợp đồng, tuy nhiên đến nay cũng chưa có một giải pháp hữu hiệu, lâu dài để quản lý chặt chẽ loại hình này.

Tổng cục Đường bộ VN đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực thường xuyên có xe hợp đồng hoạt động, tại các tụ điểm thường xuyên tổ chức đón, trả khách (bến cóc) của xe hợp đồng để kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng kiểm tra theo chuyên đề cho đến khi xử lý dứt điểm các tụ điểm, khu vực thường xuyên có nhiều xe vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng hoạt động như tuyến cố định.

Chỉ đạo các Sở GTVT thực hiện rà soát và bố trí bến xe khách hợp lý, hạn chế hoặc không thực hiện việc di chuyển bến xe khách ra xa khu vực trung tâm đô thị. Bố trí các điểm dừng đón, trả khách cho phương tiện vận tải phù hợp với nhu cầu thực tế.
Bà Phan Thị Thu Hiền

Như bà nói, xe hợp đồng trá hình tác động tiêu cực thế nào đến thị trường vận tải?

Đến hết tháng 7/2020 cả nước đã có trên 17.000 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hợp đồng với số lượng khoảng trên 200.000 xe đã được cấp phù hiệu.

Tuy nhiên, phải thừa nhận, vận tải đường bộ vẫn còn tồn tại yếu kém tác động tiêu cực đến chất lượng dịch vụ và ATGT. Hiện tượng “xe dù, bến cóc”, đón trả khách không đúng nơi quy định, tranh giành khách, bán khách… vẫn tồn tại.

Đa số xe hợp đồng chất lượng cao hoạt động theo hành trình, lịch trình cố định gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Theo đánh giá, các quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình xe hợp đồng còn đơn giản, dẫn đến trình trạng nhiều đơn vị vận tải chỉ hợp thức hóa các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải; lợi dụng vận tải hành hành khách theo hợp đồng để đặt chỗ cho hành khách rồi đón trả khách tại các điểm như: Bệnh viện, trường học.

Nhiều đơn vị thực hiện đón, trả khách ngay tại trụ sở của đơn vị tạo nên các bến cóc…

Công tác quản lý nhà nước về vận tải dù liên tục được hoàn thiện, nhưng chưa thật sự được đổi mới, chưa theo kịp với sự phát triển và những diễn biến của hoạt động vận tải. Bên cạnh đó, công tác quản lý của các đơn vị kinh doanh vận tải còn nhiều yếu kém cần khắc phục.

Để thực hiện Nghị định số 86/2014, kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi và xe buýt được siết chặt.

Điều này cũng góp phần làm cho loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng phát triển mạnh do các điều kiện kinh doanh vận tải và quy định về quản lý đối với xe hợp đồng còn tương đối dễ dàng.

Quy định đã đủ sức răn đe?

Nghị định 10 và Thông tư 12 với nhiều quy định đã được bổ sung để quản lý chặt chẽ đối với xe hợp đồng. Thực tế những quy định trên đã đi vào cuộc sống thế nào, thưa bà?

Nghị định số 10/2020 của Chính phủ có hiệu lực vào ngày 1/4; Thông tư 12/2020 có hiệu lực vào ngày 15/7/2020. Đến thời điểm này, những quy định trên đã được các sở GTVT và các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm túc.

Thông qua đó, nhiều quy định về quản lý hoạt động vận tải, nhất là những quy định về quản lý xe hợp đồng đã được các đơn vị kinh doanh vận tải áp dụng theo đúng quy định.

Một số nội dung chính quy định trong Nghị định số 10/2020, Nghị định số 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt để hướng dẫn và xử phạt các đơn vị kinh doanh vận tải trong quá trình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cũng được thực hiện.

Nghị định số 100/2019 đã tăng mức xử phạt từ 1 – 2 triệu đồng lên từ 5 – 6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 2 – 4 triệu đồng và 10 – 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải đối với các hành vi vi phạm như:

Xe hợp đồng, du lịch không có danh sách hành khách hoặc chở người không có tên trong danh sách;

Xe hợp đồng ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau;

Không niêm yết cụm từ “Xe hợp đồng”, cụm từ “Xe du lịch” hoặc niêm yết nhưng không cố định, không đúng kích thước, không làm bằng vật liệu phản quang theo quy định;

Xe taxi, xe vận tải hành khách theo hợp đồng, xe du lịch có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong 1 tháng (của xe) tại địa bàn của một địa phương mà không có phù hiệu do sở GTVT địa phương đó cấp theo quy định.

Những quy định này về cơ bản cũng đã đủ mạnh để răn đe các đơn vị kinh doanh vận tải khi vi phạm trong hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô.

Sửa Luật GTĐB, quy định rõ các loại hình kinh doanh vận tải

Tổ TTKS trạm CSGT Lăng Cô, Thừa Thiên – Huế xử lý một trường hợp xe trá hình. Xe này bị xử lý lỗi đón khách lẻ 3 lần trong vòng hơn 1 tháng

Tuy nhiên thực tế tình trạng xe trá hình vẫn diễn biến phức tạp, vậy theo bà đâu là giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này?

Để tiến tới từng bước khắc phục các khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý xe hợp đồng trá hình, “xe dù, bến cóc” và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình vận tải khác phát triển, Tổng cục Đường bộ VN đã báo cáo Bộ GTVT sửa đổi Luật GTĐB 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Trong đó quy định chi tiết, rõ ràng các loại hình kinh doanh vận tải, điều kiện kinh doanh vận tải, công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô để phù hợp với thời đại công nghệ 4.0; đáp ứng được yêu cầu quản lý của nhà nước trong hoạt động vận tải và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải được hiệu quả.

Tổng cục cũng tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quản lý của một số nước trong khu vực để quản lý hoạt động của các phương tiện hợp đồng đảm bảo phù hợp với thực tế tại Việt Nam, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang đề nghị sớm xây dựng phần mềm tiếp nhận, xử lý thông tin về hợp đồng vận tải dùng chung trong cả nước kết hợp với phần mềm xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để cung cấp cho toàn bộ các Sở GTVT nhằm quản lý chặt chẽ loại hình này.

Để thực hiện được những vấn đề trên, chỉ riêng ngành GTVT có giải quyết được, thưa bà?

Để giải quyết được thực trạng này cần vào cuộc quyết liệt của các tất cả các ngành chức năng.

Cụ thể: Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng TTGT chủ động phối hợp với lực lượng Công an và chính quyền địa phương tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề về hoạt động của xe vận tải khách theo hợp đồng và các tụ điểm thường xuyên có hoạt động đón trả khách trái phép.

Qua đó, kiên quyết xử lý các đơn vị, lái xe vận tải hành khách theo hợp đồng không đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh hoặc hoạt động vận tải trá hình như tuyến cố định theo quy định hiện hành.

Bộ Công an chỉ đạo Cục CSGT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Các Bộ ban ngành khác, trên cơ sở nội dung quy định tại Nghị định 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, chỉ đạo các cơ quan có liên quan triển khai các nội dung để tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải khi đưa ô tô vào kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân một cách thuận lợi và phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0.

Cảm ơn bà!

Trần Duy
Nguồn bài viết: ATGT.VN

Show More
Back to top button
Liên Hệ0931837555

Adblock Detected

Please consider supporting us by disabling your ad blocker