Lái xe say rượu không được xuống phà ngang sông
Nhân viên bến phà từ chối chuyên chở hành khách, người điều khiển xe ô tô say rượu, làm mất trật tự bến.
Ngày 7/1, thông tin từ Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo quy định hiện hành, nhân viên bến phà, bến khách ngang sông có phà một lưỡi được phép chở ô tô có quyền từ chối phục vụ và chuyên chở đối với hành khách, người điều khiển ô tô có biểu hiện say rượu, bia.
Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 22/2014 của Bộ GTVT (hướng dẫn xây dựng quy trình khai thác, vận hành bến phà, sử dụng phà một lưỡi…) nhân viên bến phà từ chối phục vụ hành khách và phương tiện giao thông đường bộ xuống phà trong trường hợp hành khách không chấp hành nội quy qua phà, làm mất trật tự công cộng bến, say rượu. Người điều khiển xe ô tô đang trong tình trạng say rượu, ma túy không còn đủ khả năng điều khiển xe ô tô xuống phà theo sự hướng dẫn của nhân viên bến cũng bị từ chối cho xuống phà.
Về xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn trong lĩnh vực giao thông đường thủy, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Luật Giao thông đường thủy nội địa cấm thuyền viên, người làm việc trên phương tiện thủy có nồng độ cồn trong máu, hơi thở quá mức cho phép hoặc sử dụng chất kích thích mà pháp luật cấm.
Trường hợp vi phạm bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 132/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 17 nghị định trên quy định phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi khi đang làm việc trên phương tiện mà có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở hoặc sử dụng các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng.
Còn khoản 3 quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người có hành vi bố trí thuyền viên, người lái phương tiện làm việc trên phương tiện trong tình trạng thuyền viên, người lái phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở hoặc sử dụng các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng.
Thực tế, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hầu như chưa có trường hợp thuyền viên, người lao động trên phương tiện thủy bị xử phạt do vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Huy Lộc
Nguồn bài viết: ATGT.VN