Hiểm hoạ lớn từ việc buông lỏng kiểm soát an toàn thuyền, đò gia dụng
Gần đây xảy ra một số vụ thuyền, đò gia dụng gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, trong khi nhóm phương tiện này ít được quan tâm quản lý.
Đầy rẫy thuyền, đò không đăng ký, thiếu phao cứu sinh
Khu vực cảng thủy Bích Hạ trên hồ thủy điện Hòa Bình (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) thường xuyên có gần chục phương tiện thủy cỡ nhỏ cập bờ, neo đậu. Loại phương tiện mà người dân quen gọi là thuyền, đò này làm bằng vỏ sắt dài cỡ hơn 2m, rộng hơn 1m, chạy bằng máy nổ loại nhỏ được dùng để đánh bắt thủy sản, đi lại, chở vật dụng phục vụ cuộc sống, bán hàng nông sản. Đặc điểm chung của các thuyền, đò này là không số đăng ký, không có phao, dụng cụ nổi cứu sinh.
“Mọi nhà thuê đóng, mua thuyền đò về để phục vụ đi lại, cuộc sống hàng ngày. Thi thoảng có việc thì đi nhờ nhau, chứ có chở thuê lấy tiền đâu mà phải đăng ký, trang bị phao. Nhiều năm rồi đò, thuyền đi lại vẫn thế”, ông Bùi Văn Hiền, một chủ phương tiện cho biết.
Ngược lên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, tại các khu vực như huyện Cao Phong, Đà Bắc (Hòa Bình) hay TX. Mường Lay, huyện Nậm Nhùn (Điện Biên), Sơn La… cũng dễ dàng gặp người dân dùng thuyền, đò nhỏ chèo tay hoặc gắn máy nổ nhỏ đi lấy củi, đánh bắt thủy sản, đi làm nương rẫy. Hầu hết phương tiện không có đăng ký biển số, phao cứu sinh.
Theo ông Trần Văn Khiết, Đội trưởng Đội Thanh tra – an toàn đường thủy số 9 (Chi cục Đường thủy phía Bắc): Luật giao thông đường thủy quy định phương tiện loại nhỏ phải đăng ký tại cấp xã, huyện và trang bị đủ phao cứu sinh.
Người điều khiển phương tiện có chứng nhận học tập tập pháp luật giao thông đường thủy. Song thực tế hầu hết phương tiện loại này chưa đăng ký, ít trang bị phao cứu sinh, nhiều người chưa có chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy.
Cũng theo ông Khiết, đa số chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện loại này có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền, vận động, tặng trang thiết bị cứu sinh để tạo cho người dân ý thức tự giác chấp hành quy định về đăng ký, trang bị phao cứu sinh và tuân thủ quy tắc giao thông thủy để đảm bảo an toàn.
Ông Trần Nhất Anh, Phó đội Thanh tra – an toàn số 1 (Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc) cho biết, phương tiện gia dụng chủ yếu là loại nhỏ, chủ yếu phục vụ đời sống, đi làm nông nghiệp, đánh bắt thủy sản của các hộ gia đình.
“Nguy hiểm ở chỗ khi gia đình, làng xóm có việc, thuyền đò gia dụng được dùng để chở nhiều người. Lực lượng chức năng rất khó để bắt quả tang vi phạm, trường hợp phát hiện, chủ phương tiện bỏ đi, để mặc phương tiện cũng rất khó xử lý”, ông Nhất Anh nói.
Cần kiểm soát chặt phương tiện, trang bị phao
Một thông tin đáng chú ý là Cục Đường thủy nội địa VN chưa có dữ liệu về phương tiện thủy gia dụng thuộc diện phải đăng ký. Các phương tiện bị tai nạn gần đây đều không có biển số, phần nào cho thấy điều này. Toàn quốc còn hàng chục nghìn phương tiện loại nhỏ thuộc diện phải đăng kiểm (công suất từ 5CV, sức chở từ 5 người trở lên) đang hoạt động nhưng không đăng kiểm hoặc không quay lại đăng kiểm định kỳ.
Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN cho biết, phương tiện thủy gia dụng gồm hai nhóm, nhóm thuộc diện phải đăng kiểm và chỉ phải đăng ký hành chính (loại không động cơ có sức chức 5-12 người, có động cơ công suất dưới 5CV hoặc sức chở dưới 5 người). Trong đó, loại phương tiện chỉ quản lý đăng ký cũng phải có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở, có vạch dấu mớn nước an toàn.
Trường hợp phương tiện gia dụng chỉ quản lý đăng ký thì chủ phương tiện kê khai và chịu trách nhiệm về tình trạng phương tiện, khi hoạt động phải trang bị đủ phao cứu sinh, nếu vi phạm bị xử phạt. Tuy vậy, hiện chưa có quy định bắt buộc người ngồi trên phương tiện phải mặc áo phao hay đeo dụng cụ cứu sinh.
Ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế – Thanh tra Cục Đường thủy nội địa VN khẳng định việc mặc áo phao trên các phương tiện thủy là biện pháp an toàn khi có sự cố, tai nạn sông nước.
Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị tăng chế tài xử phạt
Nhằm ngăn chặn vi phạm và phòng ngừa TNGT do phương tiện thủy gia dụng gây ra, mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ – Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ nội địa. Trong đó, tăng mức chế tài xử lý vi phạm đối với phương tiện thuộc sức chở 5-12 người, trọng tải 1-15 tấn, có công suất máy dưới 5CV hoặc sức chở dưới 5 người; bổ sung quy định xử phạt người ngồi trên phương tiện không mặc áo phao hoặc đeo dụng cụ nổi cứu sinh.
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng kiến nghị chỉ đạo Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT đường thuỷ nội địa. UBND cấp tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo tai nạn và kiểm tra, xử lý vi phạm của loại phương tiện thủy gia dung loại trên.
Huy Lộc
Nguồn bài viết: ATGT.VN