Đường về miền Tây Tết này có tắc?
Tết cận kề, những người dân Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Long An… đang làm ăn, sinh sống, học tập tại TP.HCM lại lo ngay ngáy nẻo đường về.
Người dân miền Tây lo bởi nỗi ám ảnh ùn tắc đã diễn ra nhiều năm. Tết này hạ tầng thay đổi ra sao, ngành chức năng có giải pháp gì để chống kẹt xe là điều mà nhiều tài xế và hàng vạn người dân quan tâm.
Cải tạo, mở rộng đường để giảm ùn tắc
Sáng 7/1, khảo sát tại khu vực vòng xoay Thân Cửu Nghĩa cuối cao tốc TP HCM – Trung Lương qua tỉnh Tiền Giang, PV Báo Giao thông nhận thấy khu vực này đã được cải tạo, mở rộng ra nhiều so với trước. Phương tiện hướng từ cao tốc TP HCM – Trung Lương đi ra có thể dễ dàng rẽ phải để đi vào tuyến ĐT878 ra hướng Tam Hiệp nối với QL1 về Cần Thơ. Những phương tiện đi về Mỹ Tho cũng có thể dễ dàng ôm vòng xoay Thân Cửu Nghĩa để về hướng Trung Lương ra QL1.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết, vòng xoay Thân Cửu Nghĩa trước đây là điểm thường xuyên ùn tắc, bởi là nơi giao nhau giữa các dòng xe cộ từ cao tốc TP HCM – Trung Lương đổ ra và từ QL1 vào cao tốc. Cục IV đã thực hiện dự án cải tạo nút giao thông này từ cuối năm 2019. Theo đó, tiến hành thi công giảm diện tích đảo vòng xoay, tăng diện tích mặt đường từ 10,5m lên 14m, mở rộng mặt đường làn xe thô sơ từ 2,5m lên đến 3,75m trên cả ba hướng tuyến với chiều dài mỗi hướng 220m. Đầu tư hệ thống thoát nước, lắp đặt đèn chiếu sáng, hệ thống đảm bảo ATGT. Tổng kinh phí đầu tư gần 13 tỷ đồng và đến nay đã cơ bản hoàn thành. “Chắc chắn Tết này ở nút giao Thân Cửu Nghĩa sẽ không còn ùn tắc nặng như những năm trước”, ông Thành nói.
Tin vui với người dân Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng là ngày 15/1 tới, Ban QLDA 7 sẽ thông xe tuyến QL60 từ huyện Mỏ Cày Bắc đến cầu Cổ Chiên. Đây là tuyến đường mới hoàn toàn dài 10km đi tránh Thị trấn Mỏ Cày nên sẽ không còn cảnh kẹt xe ở thị trấn này mỗi dịp lễ Tết nữa. Đi theo hướng tuyến này sẽ giảm được 10km so với tuyến QL60 cũ. Cùng với đó, QL60 đoạn từ cầu Rạch Miễu đến vòng xoay TP Bến Tre cũng đã được mở rộng mỗi bên thêm 1 làn xe. Đoạn từ cuối cầu Hàm Luông đến đầu tuyến mới mở rộng mỗi bên thêm 1m. Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre cho biết, việc thông xe QL60 trước Tết là điều rất quan trọng để giải thoát nhanh phương tiện, giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường huyết mạch này.
Cùng với đó, tuyến tránh QL1 đi qua TP Tân An tỉnh Long An cũng đang được gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Đến nay, Ban QLDA 7 đã chỉ đạo các nhà thầu thảm bê tông nhựa mặt đường, hoàn thiện cầu Tân An để đưa vào khai thác trước Tết. Như vậy, Tết này các phương tiện có thể lựa chọn lưu thông theo tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương hoặc theo QL1 đi về miền Tây. Ngoài ra tuyến N2 từ Củ Chi về Long An qua Đồng Tháp cũng đã được Cục QLĐB IV dạm vá những điểm hư hỏng. Tuyến đường này cũng giúp cho tài xế thêm lựa chọn khi đi về Đồng Tháp qua cầu Cao Lãnh, Vàm Cống đến An Giang, Kiên Giang một cách thuận tiện.
Nỗ lực điều tiết, phân luồng ở những “nút cổ chai”
TP HCM gợi ý nhiều tuyến đường đi tránh ùn tắc
Sở GTVT TP HCM vừa đưa ra lộ trình tránh ùn tắc giao thông cho các xe ô tô khách từ các bến xe Thành phố đi các tỉnh và ngược lại trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, áp dụng từ 15/1 đến hết ngày 3/2 (từ 20 tháng Chạp đến ngày mùng 10 Tết).
Phương tiện từ Bến xe miền Tây thường hay đi QL1 qua cầu Bình Điền đến nút giao Nguyễn Văn Linh rồi theo đường dẫn vào cao tốc Trung Lương nên có thể hay bị ùn tắc ở cầu Bình Điền hoặc đoạn qua chợ Bình Chánh. Vì vậy tài xế có thể theo đương Trần Văn Giàu ra đường Võ Trần Chí để vào cao tốc Trung Lương. Hoặc tài xế cũng có thể đi vào đường Trần Đại Nghĩa ra Võ Trần Chí vào cao tốc. Cả hai lộ trình này có thể giúp tránh điểm tắc ở cầu Bình Điền và QL1, tuy nhiên đường Trần Văn Giàu, Trần Đại Nghĩa hiện hơi xấu, đi hay bị xóc, phương tiện xe máy đi sẽ thuận tiện hơn. Trường hợp cao tốc TP HCM – Trung Lương ùn tắc, tài xế nên chọn đi theo QL1 về Long An, Tiền Giang rồi về miền Tây.
Từ Bến xe miền Đông, phương tiện có thể qua cầu Bình Triệu ra đường Phạm Văn Đồng rẽ qua đường D1, D2 rồi vào đường Võ Chí Công để lên cao tốc Long Thành. Tuy nhiên cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng thường bị ùn tắc dịp lễ Tết, vì vậy phương tiện có thể đi theo QL1 để ra Đồng Nai và các tỉnh phía Bắc.
Điểm đáng lo nhất trên hành trình từ TP HCM về miền Tây dịp Tết là các cầu, nơi được xem là nút “thắt cổ chai” thường gây ùn tắc. Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 17 nghìn lượt phương tiện lưu thông qua cầu Rạch Miễu, dịp Tết có thể tăng gấp 3 lần, vì vậy ùn tắc tại cầu Rạch Miễu là điều khó tránh khỏi. Ông Hoàng cho biết, lực lượng chức năng của tỉnh mà nòng cốt là CSGT, TTGT và công an địa phương sẽ trực chốt, tăng cường tuần tra để hướng dẫn, phân luồng giao thông.
Trên tuyến QL1 đoạn qua Tiền Giang có 4 cầu mỗi bên chỉ có 2 làn xe, đây là nhưng điểm “cổ chai” thường xuyên ùn tắc. Bộ GTVT đã triển khai dự án nâng cấp 4 cầu gồm: Cầu Rượu, cầu Sao, cầu Mỹ Quý và cầu Rạch Miễu từ 12,5m lên 20,5m cho 6 làn xe lưu thông với tổng mức đầu tư hơn 199 tỷ đồng. Theo đó, sẽ xây dựng một đơn nguyên cạnh cầu hiện hữu để mở rộng mặt cầu và mở rộng phần đường dẫn lên cầu. Hiện việc thi công vẫn đang diễn ra khẩn trương và dự kiến việc mở rộng những cây cầu trên sẽ hoàn thành trong năm 2020. Điều này cũng khiến nhiều người lo ngại việc thi công sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông dịp Tết do bị vướng mặt bằng.
Chiều 7/1, PV Báo Giao thông có mặt tại dự án đầu tư xây dựng mở rộng cầu Rượu thuộc địa bàn huyện Châu Thành, Tiền Giang. Theo quan sát của PV, từ hướng TP HCM đi miền Tây một dải hàng rào tôn cao hơn 2m, được dựng trên mép QL1, kéo dài khoảng 500m khiến hàng nghìn phương tiện lưu thông qua khu vực này gặp khó khăn. Theo đó, dòng xe cộ liên tục bị ùn ứ phải xếp hàng dài chạy chậm qua cầu do mặt cầu hiện hữu đã nhỏ hẹp nay lại càng hẹp hơn. Phía bên trong hàng rào nhiều xe lu, xe ben, máy múc đất… cùng hàng chục công nhân, lao động đang hoạt động hối hả trên 2 tuyến đường dẫn lên cầu nhằm kịp tiến độ dự án thông xe tạm trong dịp Tết Canh Tý 2020.
Ở dự án mở rộng cầu và đường dẫn vào cầu Sao được thi công bên phải QL1 hướng miền Tây về TP HCM, phần cầu cơ bản đã xong dầm và cốt thép mặt cầu. Riêng 2 đường dẫn lên cầu đang thi công dở dang, do vướng mặt bằng. Nhiều tảng bê tông được chất chồng lên nhau, cao hơn 2m nằm án ngữ ngay phía chân cầu hướng miền Tây về TP HCM.
Ông Lê Quốc Dũng, Phó giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, dự án xây dựng mới 4 cầu nằm độc lập, cách cầu hiện hữu 1m và không làm thu hẹp mặt đường đang khai thác. Phạm vi thi công đã được nhà thầu lắp đặt rào chắn bằng tôn kẽm cao 2m riêng biệt, có lắp đặt đèn cảnh báo trên đỉnh rào. “Chúng tôi đã chỉ đạo nhà thầu trước khi nghỉ Tết phải vệ sinh công trường sạch sẽ, tập kết xe máy, thiết bị gọn gàng ở khu vực an toàn, không gây ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông trên đường hiện hữu”, ông Dũng nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB IV, đơn vị đã lên danh sách các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông dịp Tết tại khu vực miền Tây, miền Đông Nam Bộ và đưa ra kế hoạch tổ chức lực lượng tuần tra, hỗ trợ điều tiết khi có ùn tắc. Ngày 9/1, Tổng cục đường bộ Việt Nam sẽ họp tất cả các đơn vị và địa phương ở khu vực phía Nam nhằm phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị để khi có sự cố ùn tắc ở đâu là chủ động để kịp thời giải quyết.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang:
Phân luồng từ xa để tránh ùn tắc
Công an tỉnh Tiền Giang đã có kế hoạch phối hợp với công an TP HCM và các tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp… về công tác đảm bảo trật tự ATGT trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Theo đó, khi xảy ra ùn tắc giao thông trên QL1 qua Tiền Giang, lực lượng CSGT Tiền Giang phối hợp với các địa phương điều điều tiết, phân luồng giao thông từ xa. Cụ thể, trên QL1 hướng TP HCM về miền Tây, lực lượng CSGT, TTGT… hướng dẫn phương tiện đi vào QL50 về Tiền Giang, Bến Tre… và ngược lại. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn hướng dẫn người điều khiển phương tiện đi vào tuyến Quốc lộ N2 về các tỉnh Đồng Tháp, An Giang… và ngược lại. Bên cạnh đó, các tuyến đường tỉnh có kết nối với QL1 như: TL864, TL866, TL878 cũng được hướng dẫn đi để tránh kẹt xe trên QL1.
Thượng tá Võ Văn Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT Bến Tre:
Dịp Tết, hạn chế qua cầu Rạch Miễu từ 16-20h
Để đảm bảo TTATGT trên cầu Rạch Miễu, QL60, Phòng đã phát 5.000 tờ rơi khuyến cáo người tham gia giao thông cùng phối hợp chống ùn tắc giao thông tại các khu vực trên. Nội dung là khuyến cáo người tham gia giao thông cần sắp xếp lịch trình lưu thông cho phù hợp, hạn chế tham gia giao thông qua cầu Rạch Miễu trong khoảng thời gian từ 16-20h và khi thời tiết không đảm bảo an toàn như mưa gió hoặc nắng gắt. Tại các khu vực xảy ra ùn tắc, người điều khiển xe cơ giới, phải đi đúng phần đường, làn đường quy định và tuyệt đối tuân thủ chấp hành nghiêm sự hướng dẫn, điều tiết giao thông của lực lượng chức năng.
Sẵn sàng xả trạm BOT khi bị ùn tắc, cân nhắc khi chọn đi cao tốc
Ông Hà Ngọc Nam, Phó giám đốc Công ty BOT cầu Rạch Miễu cho biết, đơn vị đã phối hợp với Ban ATGT, CSGT Bến Tre, Tiền Giang thực hiện công tác đảm bảo ATGT dịp Tết Nguyên đán năm 2020. Ngoài ra, trạm BOT Rạch Miễu đã phối hợp với VOV giao thông khu vực ĐBSCL để thông tin nhanh tình hình ùn tắc giao thông trên sóng phát thanh nhằm hỗ trợ tài xế và chủ hàng có hướng đi phù hợp.
Cũng theo ông Nam, theo kế hoạch phối hợp thì lực lượng CSGT, TTGT 2 tỉnh sẽ tổ chức điều tiết giao thông ở 2 phía đầu cầu để tránh kẹt xe trên cầu. Đặc biệt, khi có phương tiện tăng cao, CSGT Tiền Giang, Bến Tre sẽ tổ chức chặn một phía để ưu tiên cho phía có nhiều phương tiện qua cầu. Trạm thu phí cũng sẵn sàng xả trạm để giải tỏa phương tiện.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thì khuyến cáo các tài xế cần tìm hiểu thông tin về giao thông trước khi đi vào cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây dịp lễ Tết. Nếu thấy quá đông thì nên lựa chọn lộ trình khác để đi. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 nghìn lượt phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc này, tập trung chủ yếu là đoạn 20km từ TP HCM đến QL51. Vì vậy đoạn tuyến này thường xuyên xảy ra ùn tắc dịp lễ Tết. Tại nhánh rẽ từ cao tốc ra QL51, hiện có 7 làn thu phí, nếu xảy ra ùn tắc, VEC E đã lên phương án điều động nhân sự để phân luồng giao thông. Theo đó các phương tiện có thể lưu thông qua khỏi nút giao cao tốc – QL51, sau đó được hướng dẫn lưu thông ngược lại ở nhánh từ QL51 rẽ phải vào cao tốc. Nhánh này thường rất ít phương tiện lưu thông nên sẽ dành một nữa đường để điều tiết.
Đối với nhánh A từ Biên Hòa theo QL51 rẽ phải vào cao tốc để về TP HCM vừa qua đã được cải tạo mở rộng để tăng lưu thông. Hướng từ Vũng Tàu theo QL51 rẽ trái vào cao tốc, VEC E cũng đã cải tạo thu hẹp vòng xoay để tăng thêm diện tích mặt đường, giảm bớt ùn tắc tại điểm này.
Trong khi đó tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương hiện nay đã thực sự quá tải, trung bình mỗi ngày có khoảng 45 nghìn lượt phương tiện lưu thông. Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết đã tiến hành duy tu những điểm hư hỏng mặt đường để đảm bảo lưu thông. Cục QLĐB IV cũng đã kiến nghị Tổng cục đường bộ VN cấp kinh phí để tiến hành đại tu vì đường đã khai thác hơn 10 năm.
Phan Tư – Lê Lối
Nguồn bài viết: ATGT.VN