Cục trưởng CSGT: Nhiều đối tượng rất manh động khi bị kiểm tra nồng độ cồn
Cục trưởng Cục CSGT Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết, cảnh sát gặp khó khi xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATGT với các địa phương được tổ chức vào chiều nay (16/10) do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) nêu thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra chủ yếu do tài xế sử dụng ma túy, rượu bia.
“Trong tháng cao điểm ATGT – tháng 9, lực lượng CSGT tập trung kiểm tra mạnh các phương tiện xe khách, xe container; trong đó, đặc biệt là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp TNGT. Trong tháng cao điểm, chúng tôi đã xử lý tới 330.000 vi phạm. Vì vậy, tháng cao điểm về ATGT đã giảm 87 vụ TNGT, giảm 83 người chết, giảm 84 người bị thương. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, TNGT đã giảm 3 tiêu chí, sau nhiều năm người chết vì TNGT đã giảm trên 5,6%”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, trong tháng cao điểm tổng kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, CSGT cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng người vi phạm không hợp tác, chống đối lực lượng chức năng khá phổ biến. Chỉ trong tháng 9 đã có 27 vụ chống đối, nhiều vụ người vi phạm rất manh động, đầu tiên chấp hành sau đó điện về cho người nhà mang dao đến đâm cảnh sát. Sau khi bắt và khởi tố, các đối tượng này đều có tiền sử về ma túy.
“Từ nay đến cuối năm, Cục CSGT sẽ tập trung cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Đây là gốc các vụ tai nạn giao thông. Nếu làm tốt sẽ có chuyển biến tích cực về ATGT. Tuy nhiên, để làm tốt được vấn đề này, cần sự ủng hộ của chính quyền các cấp, các bộ, ngành và sự gương mẫu của cán bộ. Đặc biệt từ 1/1/2020, khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực thi hành, lực lượng CSGT sẽ làm quyết liệt và mở cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán”, ông Dũng cho biết.
Đánh giá nội dung này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình cho rằng, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích còn rất đáng lo ngại. Trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSGT và các đợt khám sức khoẻ bắt buộc tập trung do ngành GTVT, Y tế thực hiện.
“Trong khi đó, vai trò chủ động phát hiện, ngăn ngừa lái xe sử dụng ma tuý, chất kích thích của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn rất hạn chế”, Phó Thủ tướng nói.
Trần Duy
Nguồn bài viết: ATGT.VN