Công nghệ sẽ là chìa khóa giúp kéo giảm TNGT
Sau 5 năm, tình hình trật tự ATGT có chuyển biến tích cực, đặc biệt TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Ông Khuất Việt Hùng. Ảnh: Trần Hải
Hôm nay (9/12), Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đảm bảo trật tự ATGT (2016 – 2020). Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia về những kết quả đạt được và định hướng đảm bảo trật tự ATGT thời gian tới.
Giảm gần 10 nghìn người chết do TNGT
Trong 5 năm qua, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng như các địa phương có nhiều giải pháp đảm bảo ATGT. Vậy, kết quả nổi bật trong 5 năm qua là gì?
Thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư và chỉ đạo của Chính phủ và giám sát của Quốc hội, Ủy ban ATGT Quốc gia và các Bộ, ngành thành viên, các địa phương đã triển khai các phong trào thi đua đảm bảo ATGT trong giai đoạn 2016 – 2020.
Sau 5 năm tình hình trật tự ATGT có chuyển biến tích cực, đặc biệt TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Nếu như năm 2016, số người chết do TNGT là gần 9.000 người thì đến năm 2020, chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, số người chết do TNGT sẽ giảm xuống con số dưới 7.000 người. Như vậy, trong vòng 5 năm đã giảm được gần 10.000 người chết do TNGT so với giai đoạn 2011 – 2015.
Theo ông đâu là nguyên nhân số người chết do TNGT giảm sâu như vậy?
Trước hết là do công tác lãnh đạo chỉ đạo, Đảng bộ, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo đánh giá quá trình thực hiện và sơ kết Chỉ thị 18 của Ban Bí thư và kết luận số 45/2019 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị. Trong đó, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng để tiếp tục triển khai Chỉ thị 18.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ, sau quá trình tổng kết đánh giá, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 12 về đảm bảo ATGT giai đoạn 2019 – 2021.
Cũng trong giai đoạn này, các Bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Nổi bật, năm 2019, Quốc hội đã ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.
Ngay ngày đầu tiên Luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ – đường sắt. Nghị định tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn để đưa Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, một Luật quan trọng khác là nền tảng hoàn thiện chế tài xử phạt, đó là Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi đã được Quốc hội thông qua.
Những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT cũng được triển khai đều tay, từ việc hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, cảnh báo nguy cơ TNGT, tăng chế tài xử phạt vi phạm…
Ngành GD&ĐT cũng hoàn thiện giáo dục ATGT trong trường học. Ngành GTVT thường xuyên rà soát, hoàn thiện chương trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX… Từ đó làm thay đổi nhận thức và hình thành văn hóa tham gia giao thông an toàn.
Ngoài ra, việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ATGT cũng như thanh tra chuyên ngành đảm bảo an toàn kết cấu hạ tầng, phương tiện, đảm bảo an toàn phương tiện vận tải được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100, việc xử “phạt nguội” vi phạm đã tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.
Giai đoạn 2016 – 2020 cũng là giai đoạn khá đặc biệt của đầu tư xây dựng cơ bản, ngành GTVT đã có nỗ lực lớn trong việc tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực kết cầu hạ tầng.
Bên cạnh đó, việc bảo trì đảm bảo an toàn cho kết cấu hạ tầng hiện hữu, xử lý dứt điểm nhiều điểm đen tai nạn giao thông, lối đi tự mở giúp kết cấu hạ tầng an toàn hơn…
Bên cạnh kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong đảm bảo ATGT 5 năm qua là gì?
Tồn tại nhìn thấy rõ nhất là TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ TNGT vẫn cao và số thương vong vẫn lớn, vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2014 – 2015 khi kiểm soát tốt xe quá tải, vi phạm giảm rất sâu nhưng từ năm 2016 đến nay không có nhiều chuyển biến so với năm 2015.
Vi phạm chở quá tải tái diễn trở lại ở nhiều tỉnh thành mà không bị xử lý, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng. Tuy chúng ta đã có nỗ lực lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng nhưng không kịp so với tốc độ tăng trưởng phương tiện, dẫn đến ùn tắc giao thông xảy ra ở nhiều thành phố lớn.
Nguyên nhân là do nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT. Việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như sửa đổi Nghị định 86, Luật GTĐB dẫn đến kém hiệu quả thực thi.
Bên cạnh đó, trong tuần tra kiểm soát còn thủ công và xuê xoa trong xử lý vi phạm, thậm chí tiêu cực. Đồng thời tuy có ứng dụng công nghệ trong đảm bảo ATGT nhưng vẫn còn hạn chế. Việc thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về ATGT còn manh mún.
5 “trụ cột” đảm bảo ATGT
Trong 5 năm qua, TNGT năm sau so với năm trước đều giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người tử vong và bị thương. Đồ họa: Nguyễn Tường
Từ những kết quả đạt được, những giải pháp được đề ra là gì để tiếp tục kéo giảm TNGT?
Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chiến lược đảm bảo trật tự ATGT giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Năm 2021 và các năm tiếp theo vẫn tiếp tục tập trung vào 5 trụ cột quan trọng về ATGT.
Trước tiên, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATGT. Tập trung làm tốt hơn hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật liên quan đến trật tự ATGT, trong đó trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội Luật GTĐB sửa đổi. Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn làm sao có hệ thống pháp luật hoàn thiện, tạo nền tảng quan trọng để thực thi các nhiệm vụ đảm bảo ATGT.
Tiếp tục rà soát, kiện toàn nâng cao năng lực, hiệu lực của Ủy ban ATGT Quốc gia cũng như Ban ATGT các địa phương; phân công, phân nhiệm rõ chức năng, nhiệm vụ các lực lượng, các Bộ, ngành làm công tác đảm bảo ATGT, tránh chồng chéo.
Thứ hai là tiếp tục làm tốt công tác phát triển, bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh việc đẩy mạnh chỉ đạo về tiến độ, chất lượng trong nâng cấp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thì tiếp tục làm tốt hoàn thiện tiêu chuẩn thiết kế công trình giao thông. Hướng đến có hạ tầng thân thiện với người tham gia giao thông, giúp cho người tham gia giao thông có xu hướng tuân thủ quy định pháp luật ATGT…
Một nhiệm vụ có tính chất trụ cột khác là làm sao phải có những người tham gia giao thông an toàn, hay nói cách khác là tiếp tục làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT bằng việc đổi mới cách thức, phương pháp tuyên truyền, hình thức thể hiện hấp dẫn đối với từng nhóm đối tượng tham gia giao thông.
Đưa giáo dục ATGT vào chương trình chính khóa từ mầm non đến PTTH. Đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, ứng dụng công nghệ trong giám sát sát hạch để có người điều khiển phương tiện an toàn.
Từ tháng 11/2019 đến nay, gần 16.000 tài xế ở Hà Nội bị phạt nguội qua hệ thống camera, trong đó có người vi phạm đến 28 lần
Ông vừa đề cập đến 5 trụ cột trong đảm bảo ATGT, tuy nhiên trong điều kiện phương tiện tăng, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, đâu sẽ là giải pháp đột phá để kéo giảm TNGT?
Với bài học trong thời gian qua, chúng ta phải khẳng định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sẽ là chìa khóa cho công tác đảm bảo trật tự ATGT. Thứ nhất là ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành giao thông để điều tiết giao thông tốt hơn.
Điều quan trọng thứ 2 là ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước như đào tạo, sát hạch lái xe và đăng kiểm để đảm bảo điều kiện an toàn cho phương tiện, người điều khiển phương tiện theo hướng khách quan nhất, chất lượng nhất.
Điều quan trọng nữa là ứng dụng công nghệ trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phạt nguội là ví dụ điển hình. Cùng với xử phạt nguội, thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh sẽ thay đổi hành vi.
Từ đó đẩy mạnh các nền tảng kỹ thuật số, dữ liệu số và trí tuệ nhân tạo trong tuyên truyền. Để gửi thông tin về các quy định pháp luật nhanh nhất, cập nhật nhanh nhất tuyên truyền đến từng đối tượng thì chỉ có ứng dụng công nghệ mới có thể làm được.
Đột phá chính là giải pháp để chúng ta đẩy 5 trụ cột đảm bảo ATGT như tôi đã nói được thực hiện một cách có hiệu quả. Đây là điều chúng ta đặc biệt quan tâm trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.
Làm thế nào để hiện thực hóa được điều ông vừa nói về ứng dụng công nghệ, tránh hô hào suông?
Trước tiên, nhanh nhất là phải hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến ứng dụng công nghệ. Nếu không có nghị định, thông tư hay tiêu chuẩn, quy chuẩn thì không biết cách nào để đầu tư công nghệ, đầu tư bằng ngân sách hay huy động xã hội hóa.
Trong quản lý đầu tư tài chính hiện nay, những gì đong đếm được rất dễ. Tuy nhiên, một ví dụ về phần mềm quản lý dữ liệu giúp cho CSGT xử lý vi phạm và nhập ngay dữ liệu tại hiện trường, lập biên bản vi phạm bằng thiết bị công nghệ bao nhiêu tiền, quy định bằng văn bản pháp luật nào, đầu tư thế nào cũng chưa rõ. Điều này, giải thích tại sao chúng ta phải có quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, phát triển công nghệ đảm bảo ATGT.
Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ kiến nghị với các Bộ, ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong đảm bảo ATGT.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Não Thiên Anh Minh (Phó ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Đồng Nai):
Tăng cường xử phạt nguội
Đồng Nai là một trong những địa phương kéo giảm sâu TNGT cả 3 tiêu chí trong 5 năm. Hàng năm, Ban ATGT tỉnh luôn đề ra mục tiêu kéo giảm từ 5 – 10% TNGT.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là ứng dụng khoa học công nghệ. Từ năm 2014, tỉnh đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn TP Biên Hòa. Đến năm 2018, tỉnh tiếp nhận hệ thống camera giám sát và xử phạt giao thông trên QL1 qua Đồng Nai do Cục CSGT bàn giao.
Qua hệ thống này, Công an tỉnh đã phát hiện, xử phạt trực tiếp ngoài đường và gửi thông báo tới 80,6% tổng số vụ phát hiện.
Ông Vũ Đức Hạnh (Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương):
Đảm bảo ATGT trên QL5
Hải Dương là một trong 6 địa phương để TNGT tăng cao trong 5 năm qua. Trong thời gian này, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên tuyến QL5 qua Hải Dương.
Ban ATGT tỉnh Hải Dương kiến nghị Ủy ban ATGT, Bộ GTVT có các giải pháp bảo đảm ATGT trên tuyến QL5; đề nghị nghiên cứu thay thế dải phân cách giữa trên QL5 (hiện tại là rào thép và cây); đề nghị tỉnh Hải Dương bố trí nguồn kinh phí xây dựng đường gom dọc tuyến QL5 và các tuyến đường sắt.
Ông Nguyễn Thiên Vương (Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh):
Đầu tư hạ tầng đồng bộ
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Quảng Ninh đứng trong top đầu cả nước về kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí.
Kinh nghiệm của Quảng Ninh đã và đang được thực hiện chính là triển khai tốt công tác chỉ đạo từ các cấp chính quyền đến các đoàn thể, tổ chức chính trị, phân công rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức với từng cấp cơ sở, trên đoạn đường, công trình.
Khi xảy ra TNGT nghiêm trọng phải chỉ rõ nguyên nhân của con người (lái xe hoặc người quản lý hạ tầng), phương tiện để xử lý nghiêm. Cùng với đó, Quảng Ninh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để hoàn thiện hệ thống kết cấu giao thông trên tất cả các tuyến.
Ông Lê Ngọc Tuyển (Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh Bắc Ninh):
Xử lý dứt điểm các bất cập ATGT
Trong 5 năm qua, Bắc Ninh là một trong các địa phương kéo giảm sâu được TNGT. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi phạm, tỉnh chú trọng rà soát địa bàn, xử lý dứt điểm các điểm bất cập về ATGT, nhất là các điểm đen; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, coi nhiệm vụ bảo đảm ATGT là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng trong công tác.
Đặc biệt, Bắc Ninh đã chú trọng đầu tư, lắp đặt, đưa hệ thông camera giám sát ANTT, ATGT vào hoạt động; tăng cường phạt nguội qua dữ liệu trích xuất từ camera, góp phần nâng cao ý thức của người dân.
Ông Phạm Quang Hải (Giám đốc Sở GTVT, kiêm Phó Ban ATGT tỉnh Quảng Bình):
Triển khai có trọng tâm, trọng điểm
Để kéo giảm TNGT trong 5 năm qua, Quảng Bình thực hiện tốt các giải pháp như: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT; tập trung xử lý điểm đen; nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng; kiểm soát tải trọng; tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…
Điểm khác biệt là quá trình triển khai, địa phương thực hiện theo phương châm có trọng tâm trọng điểm. Trọng tâm về địa bàn, trọng tâm về thời điểm, đồng thời có các chiến dịch cao điểm tuần tra kiểm soát.
Trần Duy
Nguồn bài viết: ATGT.VN