Cận Tết, xe dù bến cóc lộng hành Thủ đô
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2020, xe dù, bến cóc… “đua nhau” đại náo ở khu vực đường Vành đai 3 trên cao, bến xe Mỹ Đình, Hà Nội.
Bến cóc cũ chưa dẹp xong lại phát sinh bến mới
Những ngày cuối tháng 12/2019, có mặt tại khu vực nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Xiển, PV Báo Giao thông ghi nhận một bến cóc trải dài từ số 32 đến số 100 Nguyễn Xiển hoạt động vô cùng nhộn nhịp. Chỉ trong chưa đầy 10 phút, các xe BKS 17B-022.33 (xe Phiệt Học), 29B-307.14 (về Xuân Đài, Nam Định), 17B-015.73 (xe Hà Hải về TP Thái Bình) từ đường Nguyễn Trãi ra liên tục táp vào lề đường để chèo kéo, “vợt” những tốp khách trên vỉa hè, tiến lên đường Vành đai 3 trên cao rồi thẳng tiến.
Công ty TNHH Thương mại Đoàn Xuân thậm chí còn thuê cả tầng 1 của căn nhà số 98 Nguyễn Xiển để “hô biến” thành một bến xe thu nhỏ, vừa là nơi tiếp nhận hàng hóa, bưu phẩm, vừa để bán vé và tập kết hàng chục hành khách mỗi ngày cho các xe chạy tuyến BX Niệm Nghĩa (Hải Phòng) – BX Yên Nghĩa. Trong vai hành khách hỏi xe về Hải Dương, PV được một người đàn ông trung tuổi, mặc áo đồng phục của DN hẹn 14h chiều sẽ có xe đi đường 5 cũ đến đón. Nhân viên này cũng nhanh nhảu giới thiệu, ngoài xe đi QL5, DN cũng có xe chạy về Hải Phòng theo đường cao tốc mới với giá 100.000 đồng/người.
Chị Hoa, một chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Nguyễn Xiển cho biết, bến cóc khu vực Nguyễn Xiển mới phát sinh và hoạt động rầm rộ trong khoảng 1 năm trở lại đây. “Trước đó, một số người lao động hay ra đây bắt xe dọc đường về Nam Định, Thái Bình. Nhiều người thấy tiện cũng hùa ra theo túm năm tụm ba để đón xe, dần dà các nhà xe thấy vị trí này đông khách nên thường xuyên qua đây đón khách”, chị Hoa nói thêm.
Đáng nói, từ tháng 7/2018, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện điều chỉnh hành trình của các tuyến vận tải có điểm đầu, điểm cuối tại BX Yên Nghĩa đi về 9 tỉnh (trong đó có Hải Phòng) phải đi theo lộ trình: BX Yên Nghĩa – QL6 – đường Quang Trung – đường Lê Trọng Tấn – đường gom Đại lộ Thăng Long – đường Khuất Duy Tiến – đường Vành đai 3 trên cao. Tuy nhiên, hiện tại, hàng loạt xe khách thuộc DN vận tải Đoàn Xuân chạy tuyến BX Niệm Nghĩa (Hải Phòng) – BX Yên Nghĩa vẫn ngang nhiên di chuyển trên đường Nguyễn Trãi ra hướng đường Vành đai 3 trên cao và thường xuyên đón/trả khách dọc đường. Thời điểm ghi nhận, PV chứng kiến chiếc xe khách 45 chỗ BKS 16L-7659 vô tư đi từ đường Nguyễn Trãi rẽ vào số 98 Nguyễn Xiển để đón khách. Ở chiều ngược lại, chiếc xe BKS 15B-014.11 ngay sau khi từ đường Vành đai 3 trên cao xuống cũng lập tức rẽ vào đường Nguyễn Trãi và ngang nhiên dừng trả khách trước khu bách hóa Thanh Xuân Bắc.
Trước khu vực tòa nhà Viglacera (đường gom Đại lộ Thăng Long), một bến cóc cũng vô tư hoạt động trong khoảng 3 năm nay. Tại đây, 3 – 4 nhân viên mặc đồng phục nhà xe Anh Huy – Đất Cảng và hàng chục nhân viên khác của xe chạy tuyến về Hải Phòng, Bắc Giang thường xuyên đứng dưới lòng đường túc trực đón các kiện hàng và mời chào khách.
Tại “thủ phủ bến cóc, xe dù” Mỹ Đình, sau rất nhiều nỗ lực của lực lượng chức năng, có vẻ như đâu vẫn hoàn đó. Nổi cộm nhất là tụ điểm tại số 1 đường Mỹ Đình – Văn phòng Công ty vận tải Kết Đoàn. Tại đây, xe chạy về Hải Phòng liên tục với tần suất khoảng 30 phút/chuyến từ 5h30 – 19h15 hàng ngày với giá vé 80.000 đồng/lượt (xe đi QL5 cũ) và 100.000 đồng/lượt. Nhà xe này còn đặt tấm banner quảng cáo lớn phía trong văn phòng với các chặng tuyến: Mỹ Đình – Sơn Tây – Việt Trì, Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa. Cách đó không xa, tại kios số 94 Trần Bình là nơi nhà xe chạy tuyến Thái Bình tập kết khách.
Phạt 1.300 trường hợp, bến cóc, xe dù vẫn hoành hành
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp (Thanh tra Sở GTVT Hà Nội) đã tiết lộ một thông tin đáng chú ý: Từ ngày 1/1/2019 đến nay, riêng tại khu BX Mỹ Đình, Thanh tra Sở đã lập biên bản vi phạm hành chính hơn 1.300 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 2,3 tỷ đồng, tạm giữ 38 phương tiện, tước GPLX 302 trường hợp.
Trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển, trong năm 2019, đã có tới 164 trường hợp vi phạm bị lập biên bản, phạt tiền hơn 287 triệu đồng, tạm giữ 1 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX 72 trường hợp. “Hiện, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý vận tải còn chưa có quy định rõ về hành vi vi phạm của các phương tiện “trá hình” vận chuyển hành khách như tuyến cố định. Hơn nữa, các văn phòng đại diện của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách nằm trên các tuyến phố không có biển cấm dừng, đỗ cũng gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý. Hệ thống theo dõi giám sát hành trình chưa tự động cảnh báo hành vi chạy sai hành trình, phải dùng các biện pháp thủ công; Công cụ xử lý qua thiết bị camera chưa được đầu tư đồng bộ”, ông Tuấn Anh cho hay.
Tại cuộc họp liên ngành GTVT – Công an bàn các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố dịp cao điểm Tết và những tháng đầu năm 2020 mới đây, Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội đã đề nghị nghiên cứu điều chỉnh luồng, tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chạy tuyến cố định cho hợp lý để tránh phát sinh xe dù, bến cóc.
Cụ thể, theo Đại tá Viện, cần nghiên cứu điều chỉnh luồng, tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chạy tuyến cố định tại bến xe Yên Nghĩa không đi vào các tuyến đường xuyên tâm Quang Trung – Trần Phú (Hà Đông) – Nguyễn Trãi để hạn chế ùn tắc giao thông. Nghiên cứu tổ chức giao thông tại nút Khuất Duy Tiến – Trần Duy Hưng, trong đó ưu tiên phương án phân luồng, phân làn hoặc đường dẫn riêng để hạn chế tình trạng xe khách dừng đón trả khách trên đường Khuất Duy Tiến khi qua đây để lên đường trên cao.
Lê Tươi – Nam Khánh
Nguồn bài viết: ATGT.VN