Cách nào ngăn vi phạm nồng độ cồn, giảm TNGT nghiêm trọng?
Chỉ khi nào ngăn chặn được những vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tai nạn giao thông mới có thể kéo giảm bền vững…
Người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất kích thích như: Rượu, bia, ma túy là nguyên nhân gây ra rất nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong những tháng đầu năm 2019.
Liên tiếp TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan nồng độ cồn, ma túy
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức:
Cần loại bỏ những lái xe có đạo đức kém, vi phạm nhiều lần
Tại các nước phát triển, hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông bị xử phạt rất nặng, ngoài phạt hành chính còn tước GPLX, phạt lao động công ích. Mức phạt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp.
Chúng ta nên xây dựng một phần mềm nhận dạng lái xe. Khi một lái xe vi phạm, cấp thẩm quyền tích vào máy lỗi vi phạm, hình thức xử lý để giúp cho các nhà tuyển dụng chọn lọc. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc để loại bỏ những lái xe có đạo đức kém, vi phạm nhiều lần. Nếu vi phạm có tính chất nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định thì xem xét không cho điều khiển xe vĩnh viễn.
Đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, 9 tháng đầu năm, TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. “Tuy nhiên, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng”, Ủy ban ATGT Quốc gia nêu.
Đơn cử ngay đầu năm 2019 (ngày 2/1), tại Long An, một lái xe container dương tính với ma tuý đâm vào 21 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ làm chết 4 người, 19 người bị thương. Sau đó ít ngày (21/1), tại Hải Dương, một lái xe tải có sử dụng ma túy đã đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang làm chết 8 người, bị thương 7 người.
Một vụ khác, lái xe say rượu gây TNGT trong hầm Kim Liên cướp đi sinh mạng của 2 người phụ nữ vào ngày 1/5. Hay vụ TNGT tại Thái Nguyên ngày 25/8 khiến 4 người chết, 1 người bị thương, nguyên nhân do xe mô tô chở 5 người tự đâm va vào dải phân cách giữa đường, cả 5 nạn nhân đều đang học trường Cao đẳng Thương mại Thái Nguyên. Thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, nhóm sinh viên này đi dự sinh nhật bạn và có uống rượu, bia.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, đa phần những vụ tai nạn nghiêm trọng thời gian qua đều do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động TTKS của CSGT và các đợt khám sức khỏe bắt buộc tập trung, tỷ lệ còn thấp so với thực tế.
Lý giải sâu hơn, ông Hùng phân tích: “Chúng ta chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm TTATGT. Điều này dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, TTKS. Vẫn còn tình trạng người thực thi công vụ thiếu trách nhiệm, tiêu cực, làm trái quy định. Hạ tầng giao thông vẫn tồn tại những điểm đen, đường ngang không bảo đảm an toàn, hệ thống vạch sơn, tín hiệu, ký hiệu còn bất cập”.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, các vụ tai nạn thảm khốc thời gian qua đa phần do lái xe không làm chủ được tốc độ, lái xe trong tình trạng không tỉnh táo, đã sử dụng rượu, bia. “Nguyên nhân TNGT có thể gói gọn ở hai yếu tố chính là cơ sở hạ tầng và ý thức người tham gia giao thông. Cơ sở hạ tầng có thể là tác nhân dẫn tới tai nạn, song ý thức của con người mới là nhân tố quyết định gây ra đa số các vụ TNGT”, ông Quyền nói.
Phải mạnh tay, kể cả xử lý hình sự
9 tháng đầu năm (tính từ ngày 15/12/2018 – 14/9/2019), cả nước xảy ra hơn 12.600 vụ TNGT, làm chết trên 5.600 người, bị thương trên 9.600 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm gần 600 vụ, giảm 353 người chết, giảm 700 người bị thương. Có 45 tỉnh, thành phố có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ, trong đó 22 địa phương giảm trên 10%. Tuy nhiên, vẫn còn 16 địa phương có số người chết tăng so với cùng kỳ năm 2018, trong đó 6 tỉnh tăng trên 10% là: Bình Thuận, Thừa Thiên – Huế, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Khánh Hòa.
GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT cho rằng, sẽ còn những bi kịch giao thông nếu khung hình phạt với hành vi gây tai nạn chết người còn quá nhẹ như hiện nay. Lái xe dù có làm chết nhiều sinh mạng cũng chỉ bị phạt vài chục triệu đồng, vài năm tù rồi đâu lại vào đó. “Bộ GTVT đã đề xuất tăng nặng mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn và ma túy lên 40 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, để lái xe nghĩ đến hình phạt không dám vi phạm, cần tăng nặng theo hướng hình sự hóa với cả chủ xe và tài xế gây tai nạn”, ông Sùa nói.
Đồng quan điểm, luật sư Đoàn Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cần tăng chế tài xử lý hình sự người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia khi lái xe. Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự với lỗi vô ý. Tuy nhiên, do chế tài xử lý hình sự với lỗi vô ý chưa đủ sức răn đe nên hành vi vi phạm vẫn có xu hướng gia tăng.
“Vì vậy, quan điểm của tôi là tăng chế tài, cụ thể là đưa vào hành vi nhóm lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2, Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”, luật sư Hướng nói.
Ủng hộ đề xuất tăng chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ông Khuất Việt Hùng khẳng định, những vụ TNGT thảm khốc do tài xế sử dụng rượu, bia gây ra trong thời gian qua là bằng chứng sinh động nhất cho thấy vấn nạn “ma men” sau tay lái đang gây nhức nhối trong xã hội. Việc các cơ quan nghiên cứu đưa ra những chế tài xử phạt có sự răn đe mạnh hơn đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe là rất cần thiết.
“Chế tài xử phạt không chỉ áp dụng với tài xế mà còn phải có một chế tài riêng, nghiêm minh với cả những doanh nghiệp kinh doanh vận tải có tài xế sử dụng rượu, bia khi lái xe. Doanh nghiệp vận tải là chủ thể có ảnh hưởng lớn nhất đối với lái xe và cũng là đơn vị biết rõ nhất về hành trình và điều kiện sức khỏe của lái xe. Vì thế, khi chủ doanh nghiệp vận tải có tài xế dùng bia, rượu rồi lái xe, gây tai nạn thì đương nhiên phải chịu liên đới trách nhiệm”, ông Hùng nói.
Trần Duy
Nguồn bài viết: ATGT.VN