Bất an với “quái xế” trên đường
Cuối tháng 7/2020, nhiều người dân sống trên địa bàn TP Hà Nội không khỏi phẫn nộ trước vụ tai nạn gây ra bởi các “quái xế” tuổi vị thành niên.
Cụ thể, đêm ngày 25/7, anh Đinh Quang Ngọc điều khiển xe máy mang BKS 17B – 701.16 chở khách là anh Đặng Quốc Huy di chuyển trên đường Lê Duẩn. Khi di chuyển đến khu vực ngã tư Lê Duẩn – Nguyễn Thái Học, xe máy do anh Ngọc điều khiển bị một xe máy khác của 2 nam thanh niên di chuyển cùng chiều có biểu hiện lạng lách, đánh võng đâm trúng. Sự việc khiến anh Ngọc bị thương nặng, hành khách ngồi trên xe tử vong.
Trước đó, đầu tháng 6/2020, một nhóm thanh, thiếu niên điều khiển xe máy đi với vận tốc cao trên một số tuyến phố khu vực hồ Hoàn Kiếm. Một trong số những phương tiện này đã đâm vào người dân đang dừng chờ đèn đỏ ở nút giao thông Hàng Tre – Hàng Thùng khiến nạn nhân bị thương rất nặng.
Mới đây nhất, ngày 26/7, thông tin trên một diễn đàn mạng xã hội có hơn 800.000 thành viên tham gia, tài khoản FB Lighthouse Land cho biết, thời gian gần đây, QL37 đoạn từ xã Lương Phong đến thị trấn Thắng (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) thường xuyên xuất hiện một nhóm thanh niên đi xe máy bốc đầu. Chính đoạn này cũng đã từng xảy ra vụ tai nạn thương tâm làm một thanh niên chết não. Tuy vậy, việc xử lý của cơ quan chức năng vẫn rất hời hợt.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật ATGT có dấu hiệu tăng trong thời gian trở lại đây, nhất là trong dịp học sinh nghỉ hè. Các vụ việc không chỉ thể hiện sự thiếu ý thức của các đối tượng vi phạm mà còn thể hiện sự thiếu quan tâm từ phía gia đình.
Theo ông Thạch, để xóa bỏ tình trạng trên, bên cạnh việc xử nghiêm trách nhiệm người vi phạm theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ, thì vai trò của ba bên: Chính quyền sở tại – gia đình – nhà trường cần phải được thể hiện rõ hơn nữa. Chính quyền phải phối hợp với các hộ gia đình, quản lý chặt chẽ thanh, thiếu niên vi phạm giao thông, nhất là các đối tượng vi phạm về tốc độ, tụ tập đua xe để kịp thời giáo dục, ngăn chặn các hành vi tương tự gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Các cơ sở giáo dục cũng cần phối hợp thông tin, bất cứ một học sinh/sinh viên nào bị phát hiện, xử phạt vi phạm khi tham gia giao thông phải có sự nhắc nhở, đánh giá thi đua để tạo sự răn đe, nâng cao ý thức của học sinh/sinh viên khi tham gia giao thông.
Bênh cạnh đó, việc tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm cũng sẽ tạo được sự răn đe.
N.Khánh
Nguồn bài viết: ATGT.VN